Mùa xuân tươi màu thổ cẩm Bana Kriêm
Thổ cẩm là một nét văn hóa độc đáo, là tài sản tinh thần của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Và mùa xuân là khung thời gian để không gian thổ cẩm tưng bừng khoe sắc.
1.
Cả ngày tất bật rẫy nương, chiều đến chị Ðịnh Thị Ðem - dân tộc Bana ở làng Klot-pok (thị trấn Vĩnh Thạnh) trở lại với công việc quen thuộc của mình, đó là dệt thổ cẩm. Tâm sự với chúng tôi, chị Ðem cho biết: 12 tuổi mình được mẹ và chị dạy cho cách kéo sợi, cách dệt, cách bố trí hoa văn theo truyền thống của người Bana Kriêm. Và rồi mình mê say từ lúc nào không biết.
Bà Đinh Thị Nhẹ dệt thổ cẩm.
Hơn 20 năm qua, chị Ðem vẫn gắn bó với nghề dệt thổ cẩm bằng tình yêu của mình. Thời gian dệt và hoàn thiện một bộ trang phục phải mất 10-20 ngày, đôi khi cả tháng trời, thế nhưng lúc nào chị Ðem cũng có sản phẩm để bán bởi như đã thành thói quen hãy có thời gian rảnh là chị lại ngồi vào khung dệt.
Ðiều đáng nói là những sản phẩm thổ cẩm do chị Ðem làm ra giờ đã được nhiều người đón nhận không chỉ bởi mẫu mã phong phú, hoa văn đa dạng, giá cả hợp lý, mà còn vì chị luôn giữ đúng đường nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Bana Kriêm.
Thổ cẩm của đồng bào Bana Kriêm mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết. Ông Ðinh Kim - Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh cho biết: “Thổ cẩm của người Bana Kriêm ở Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng. Người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản”.
Trang phục trong ngày Tết của phụ nữ Bana Kriêm.
2.
Hiện nay, ở Vĩnh Thạnh, mỗi làng có khoảng từ 10 đến 20 người làm nghề dệt thổ cẩm, chủ yếu là những người lớn tuổi, tranh thủ dệt khi có thời gian rảnh rỗi. Bà Ðinh Thị Nhẹ (67 tuổi ở làng M2, xã Vĩnh Thịnh) chia sẻ: “Bản thân mình muốn dệt những hoa văn, không dệt thì nhớ nó lắm; dệt thì mình cũng có tiền, mỗi năm bán áo, váy cũng được hơn 10 triệu đồng. Già rồi, làm được như vậy cũng là nhiều nhưng giữ niềm vui là chính”.
Một mùa rẫy nữa lại đi qua, người Bana Vĩnh Thạnh lại đón thêm một cái Tết. Nếu tiếng cồng chiêng là âm thanh đặc trưng của đêm hội vùng cao thì những bộ trang phục truyền thống dựng nên không gian sắc màu ngày hội. Và những chiếc áo, những chiếc khăn thêu hay những bộ trang phục Bana không chỉ khiến đêm hội vùng cao thêm lung linh sắc màu mà ở đó nó còn lưu giữ những giá trị truyền thống chứa đựng cái hồn và bản sắc văn hóa dân tộc.
“ Nếu tiếng cồng chiêng là âm thanh đặc trưng của đêm hội vùng cao thì những bộ trang phục truyền thống dựng nên không gian sắc màu ngày hội ”
LONG VŨ