Tưng bừng Lễ hội đô thị Nước Mặn
Ngày 25.2 (tức 29 tháng Giêng năm Ðinh Dậu 2017), đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương nô nức về chùa Bà thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước dự Lễ hội Ðô thị Nước Mặn.
Năm nay, lễ rước biểu trưng được tổ chức trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm Ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu, trong đó kiệu chính rước sắc; 4 kiệu còn lại rước các biểu trưng Ngư, Tiều, Canh, Mục (người đốn cây rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc).
Ban tế lễ dâng hương, tửu tại chùa Bà.
Ðúng 15 giờ, lễ nghinh thần rước sắc chính thức khởi hành. Ðoàn hành lễ được đội lân dẫn đầu, tiếp đến là đội nhạc, ban hành lễ, rồi các kiệu và đội cờ. Tất cả hướng đến chùa Ông (cách chùa Bà chừng 300 m). Tại đây, Ban hành lễ làm lễ rước sắc, rồi quay lại chùa Bà làm lễ nghinh thần nhập điện. Cúng lễ xong, đoàn hành lễ tiếp tục khởi hành đến các miếu thờ thần Hỏa, Thành hoàng làng, thần Hổ làm lễ cúng, rước nhập điện.
Chị Lê Thị Loan, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng gia đình đi viếng cảnh chùa, du xuân đầu năm để cầu mong cho một năm mới sức khỏe, bình yên. Ðến với chùa Bà, tôi rất dễ chịu vì người dân ở đây rất chân tình, đặc biệt không có tình trạng chặt chém, chèn ép du khách…”.
Biểu diễn múa lân phục vụ Lễ hội.
“Ðây là lần đầu tiên tôi mới có dịp về đây chứng kiến các nghi thức của lễ hội, tôi rất ấn tượng với các nghi thức tại lễ hội lần này. Nghe tin, việc phục dựng lễ rước ngư, tiều, canh, mục là do chính quyền chủ trương, phối hợp các ngành và cộng đồng thực hiện, tôi rất vui mừng. Ðiều này chứng tỏ Nhà nước rất quan tâm đến tín ngưỡng của nhân dân!” - anh Lê Huỳnh Quốc Bảo, ở Gia Lai cho hay.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Năm nay, tuy kinh phí có khó khăn, nhưng lãnh đạo huyện Tuy Phước chỉ đạo Phòng VH-TT cố gắng duy trì tốt công tác tổ chức lễ hội với quy mô như mọi năm. Bên cạnh đó, trong suốt 4 ngày đêm diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao như hội đánh bài chòi cổ, các trò chơi dân gian, hát bội, múa lân… cũng góp phần làm cho lễ hội thêm sôi động, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia”.
Theo sử sách ghi lại, cách đây trên 400 năm, nhiều cư dân người Việt và một số cư dân người Hoa theo đường biển vào đây lập nghiệp. Bấy giờ, Nước Mặn là đô thị thương cảng nổi tiếng ở Ðàng Trong, từng xuất hiện trong các hải đồ quốc tế của người Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha... Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, tọa lạc ở vùng trung tâm cảng thị thuở trước.
Bài và ảnh: VĂN LƯU