Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Ôn thi ra sao, đăng ký xét tuyển thế nào?
Ngày 25.2, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ÐT, Sở GD&ÐT và Tỉnh đoàn tổ chức Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017 tại Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn). Chương trình thu hút khoảng 4.000 học sinh lớp 12 trong tỉnh đến tham dự.
Nhiều băn khoăn, thắc mắc của học sinh, phụ huynh về kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới được các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ÐT và nhiều trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh ta giải đáp cặn kẽ.
Một thí sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn.
Cân nhắc kỹ khi chọn cả hai bài thi tổ hợp
Theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, thí sinh sẽ dự thi tại địa phương với 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; Lịch sử, Ðịa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT). Quy chế của Bộ cho phép thí sinh được quyền chọn làm cả hai bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển đại học, tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ðức Nghĩa - Phó Giám đốc ÐHQG TP Hồ Chí Minh, thí sinh nào định làm việc này, phải hết sức cân nhắc.
“Năm nay, học sinh lớp 12 phải làm ít nhất 4 bài thi với 6 môn. Nếu chọn cả 5 bài thì các em phải làm tới 9 môn. Năm ngoái, Bộ cũng cho phép thí sinh chọn thi tất cả các môn, nhưng thống kê cho thấy cả nước chỉ có vài trăm em làm vậy”, TS Nghĩa thông tin.
Về nội dung các đề thi - theo thông tin từ ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ÐT) có 60% đề tập trung kiểm tra kiến thức đại trà, 40% còn lại có tính phân loại giúp các trường đại học xét tuyển. “Nội dung đề thi nằm hết trong chương trình lớp 12, nhưng để hiểu được một số nội dung kiến thức lớp 12, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức lớp 10, 11. Vậy nên, các em hãy dành thời gian ôn tập lại kiến thức có liên quan ở các lớp dưới”, ông Hùng dặn dò.
Nhóm học sinh hệ GDTX đã phát biểu bày tỏ băn khoăn về khả năng kiến thức của một số môn học được giản lược ở hệ GDTX nhưng vẫn được dạy ở các trường THPT liệu có xuất hiện trong đề thi, ông Hùng khẳng định bộ phận làm đề sẽ có trách nhiệm lựa chọn để đề thi dành cho học sinh hệ GDTX không có những nội dung đã bị giản lược.
“Năm nay khác năm trước, các môn thi chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm nên thí sinh đã nộp bài thì nhớ nộp luôn đề thi, giấy nháp. Tuy nhiên, sau đó, Bộ sẽ công bố đề thi lẫn đáp án. Nhiều thí sinh đang lo mỗi em có một mã đề riêng, đảm bảo tới 80% câu hỏi không trùng lặp thì mức độ khó dễ có đảm bảo sự công bằng không? Tôi khẳng định rằng, Bộ GD&ÐT đã có phương án cân bằng đề, vì vậy độ khó của các đề sẽ như nhau. Chỉ lưu ý các em là phải nắm thật rõ quy định làm bài thi trắc nghiệm, vì toàn bộ bài thi theo hình thức này đều do máy chấm nên các em phạm lỗi là máy sẽ không nhận diện ra được”, ông Hùng lưu ý.
Ðăng ký nguyện vọng xét tuyển cùng lúc với đăng ký môn thi THPT Quốc gia
Ðây là nét mới so với năm ngoái và cũng là điều làm thí sinh lo lắng khi phải cùng lúc quyết định hai việc quan trọng. Tỏ ra không chắc chắn với quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển, khá nhiều học sinh đến từ Trường THPT số 1 Tuy Phước hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng về việc thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia.
“Các em được phép làm việc này bằng hai cách: đăng ký trực tuyến hoặc điền vào phiếu rồi đem nộp tại trường THPT. Nhưng xin lưu ý rằng, nếu lúc đầu đăng ký 10 nguyện vọng, sau cũng trong 10 nguyện vọng đó nhưng muốn đổi ngành nghề hoặc chuyển sang đăng ký vào một trường khác thì dùng được cả hai cách. Còn muốn tăng thêm số lượng nguyện vọng (vì năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng các em được đăng ký) thì phải điền vào phiếu rồi đem nộp ở trường THPT. Thí sinh sẽ phải nộp lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm”, ông Hùng trả lời.
Các thành viên trong ban tư vấn nhiều lần nhắc nhở, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh đừng chỉ căn cứ vào quy định và mốc thời gian chung, do Bộ GD&ÐT đưa ra, mà phải thường xuyên lên website của trường mình muốn đăng ký vào để tìm hiểu, cập nhật thông tin, đặc biệt là các trường có tổ chức bài kiểm tra năng lực đầu vào như Trường Ðại học Luật TP Hồ Chí Minh.
Tại khu vực tư vấn học sinh đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…, Trần Tất Ðạt - học sinh Trường THPT Trưng Vương, nêu câu hỏi: “Em muốn theo học ngành marketing, nhưng tự nhận thấy mình không có các kỹ năng cần thiết để sau này có thể làm việc tại lĩnh vực này, em phải làm sao?”. Sau khi hỏi thêm và biết Ðạt có khả năng giao tiếp tốt và thích hoạt động xã hội, các thầy tư vấn khẳng định: Ðạt có thể theo học ngành marketing.
“Hãy hiểu một ngành, chẳng hạn marketing, là một cái gì rất rộng. Giả định, em sản xuất ra một chai nước khoáng, giờ làm sao cho người ta biết về chai nước để mua là marketing, mà để làm được điều đó thì có nhiều việc phải làm như hoạt động quảng cáo, giới thiệu ngoài trời - đó là một hoạt động nhỏ của khoa học marketing. Hãy thử tìm hiểu thật kỹ lưỡng và nếu thấy thích hãy mạnh dạn đăng ký, vì biết đâu sau khi hiểu ra, điều đó thật sự phù hợp với mình” - nhóm tư vấn khuyên bảo.
NGỌC TÚ