Ghi tại một bếp ăn đặc biệt
Nếu nấu những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bình thường là điều không đơn giản, thì việc nấu làm sao cho các học sinh khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ khó hơn rất nhiều. Có thể nói, một cách lặng thầm, các đầu bếp, bảo mẫu ở Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn (CBHVQN) đã hoàn thành xuất sắc việc này.
“Bên cạnh nhiệm vụ chính - dạy học, việc chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Không chỉ về thiết bị làm bếp, phục vụ bữa ăn, thực phẩm, chúng tôi còn lưu ý về tinh thần, thái độ và cả tình cảm của cấp dưỡng, bảo mẫu với các em nữa!” - Cô Huỳnh Thị Kim Anh, phó hiệu trưởng Trường CBHVQN cho biết.
Một số học sinh khiếm thính nhà ở các huyện, có khả tự chăm sóc bản thân được học nội trú (cuối tuần các em trở về nhà), còn lại đa số các em học sinh gặp khó khăn về tiếp thu đều học bán trú. Mỗi ngày, bếp ăn của trường phục vụ khoảng 100 suất ăn, chia làm hai buổi, buổi trưa tầm 75-80 suất, buổi chiều 20-25 suất.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Mỹ Hiền chăm sóc bữa ăn cho các em khó khăn về tiếp thu. Các em chưa tự ý thức được nên cần có sự giúp đỡ của cô bảo mẫu.
Cô Lương Thị Thu Hà - Tổ trưởng bếp ăn Trường CBHVQN chia sẻ: Trước đây, thức ăn thường được chia vào khay nhựa cho từng học sinh. Nhưng về sau, quan sát thấy nhu cầu ăn uống của mỗi em khác nhau; có em ăn nhiều, có em ăn ít, có em chỉ ăn thịt nhưng không ăn thịt gà; lại có em chỉ ăn cơm và canh. Nếu chia theo khay, sẽ xảy ra hiện tượng vừa thừa vừa thiếu thức ăn, thậm chí có em ăn chưa đủ no. Nhờ quan sát, tiếp xúc, gần gũi với em, các bảo mẫu đã thay đổi cách phân chia và cố gắng đến tối đa để hướng suất ăn chính xác đến khẩu vị, sở thích của từng em một.
Nói thì đơn giản nhưng nếu biết rằng mỗi suất ăn chỉ được chi 13.000 đồng, tiền ít mà phải thay đổi thực đơn thường xuyên, luôn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ thấy các cô đã giải được một bài toán cực khó.
Ngoài các cô cấp dưỡng, nấu ăn, trường bố trí 4 bảo mẫu giữ nhiệm vụ phân chia bữa ăn cho học sinh. Trong đó, có 3 cô chuyên chăm sóc các em chậm phát triển trí tuệ, cô còn lại lo cho các học sinh khiếm thính.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm (25 tuổi) vốn là học sinh khiếm thính của trường, sau khi ra trường được giữ lại để chăm sóc riêng cho các em khiếm thính. Là cựu học sinh, đó là một lợi thế lớn, vì thế cô giáo Thắm được bố trí chăm sóc các em khiếm thính. Chứng kiến cảnh cô giáo Thắm vui vẻ bên các học sinh tôi tin cô đang rất hạnh phúc với công việc của mình.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Mỹ Hiền cho biết: Có nhiều em còn nhỏ, chưa tự chăm sóc bản thân được, mình phải giúp các em, ví dụ như cắt nhỏ thức ăn, rút xương gà, thịt, cá, cho sẵn vào chén… Thậm chí dỗ dành hoặc đút cho các em ăn… Ban đầu cũng khó khổ ghê lắm. Nhưng dần dần mình quen rồi thấy rất thương các em. Các em là học sinh đặc biệt nên cũng cần được chăm sóc đặc biệt.
Tất cả các cô giáo, bảo mẫu Trường CBHVQN tôi gặp đều khẳng định, việc không khó, cũng không nặng nhọc gì nhưng kiên nhẫn, thật sự yêu thương các em. Cô Lương Thị Thu Hà tâm sự: “Tôi gắn bó với các em đã 8 năm, những ngày đầu thấy rất khó quen. Nhưng càng ngày, ai cũng càng thêm thương học sinh của mình. Các em giàu tình cảm lắm, ngoan và lễ phép nữa! Các em khiếm thính thường tự giác phụ giúp các cô, sau khi ăn xong, các em tự rửa chén, cùng nhau dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế. Các em rất thích nghe các cô cảm ơn! Ðến ngày thứ 6, cả cô và trò cùng nhau tổng dọn vệ sinh nhà bếp sạch sẽ. Các em coi đó là một niềm vui!”.
“Trường CBHVQN thành lập tháng 1.2009, hiện có 16 lớp, 135 học sinh, là các em khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau: dạng tật chủ yếu là khiếm thính và gặp khó khăn về tiếp thu (tự kỷ, mắc hội chứng Down, chậm phát triển trí tuệ). Trường không đưa chi phí gas, điện, nước vào cơ cấu giá suất ăn của học sinh. Những khi có gạo của các nhà hảo tâm tài trợ, nhà trường sẽ tính cả tiền gạo. Lương của các cô ở bộ phận bếp và bảo mẫu rất thấp, nhờ phụ huynh hỗ trợ thêm, ít nhất mỗi cô cũng có thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng.”
Thầy TRẦN GIA TÍN, Hiệu trưởng trường CBHVQN
NGỌC THỊNH