Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tham gia bảo tồn, quảng bá Tuồng Bình Định
Tuồng là một “đặc sản” văn hóa của Bình Ðịnh. Năm 2014, cùng với Dân ca Bài chòi, Tuồng Bình Ðịnh đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Chính vì vậy việc quảng bá, bảo tồn những giá trị của Tuồng trong đời sống văn hóa càng trở nên bức thiết.
Từ trước đến nay, việc bảo tồn quảng bá Tuồng chủ yếu vẫn chú trọng đầu tư kinh phí cho các đoàn Tuồng chuyên nghiệp. Gần đây, xuất hiện thêm một kênh quảng bá nữa là đưa các đạo cụ đặc sắc của Tuồng vào trưng bày ở Bảo tàng tỉnh để giới thiệu với khách tham quan trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối tượng khách nước ngoài.
Bộ sưu tập mặt nạ tuồng Bình Định hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Những đạo cụ Tuồng đặc trưng như: các loại mặt nạ tuồng, trang phục, mũ mão, râu, hia, binh khí, nhạc cụ sử dụng trong Tuồng… kèm theo những bản thuyết minh hay, những video trích đoạn xuất sắc từ những vở tuồng kinh điển, mẫu mực, đã tạo ra một không gian quảng bá, giới thiệu rất tốt cho loại hình sân khấu truyền thống này.
Thật ra, từ quãng năm 2000, nhận thức rõ tầm quan trọng của góp sức bảo tồn quảng bá Tuồng thông qua không gian của bảo tàng, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã chú trọng sưu tầm các hiện vật đạo cụ Tuồng. Ban đầu, là sưu tầm, đặt hàng một số bộ trang phục đặc trưng của tuồng Bình Ðịnh, tiếp đến là các binh khí trong Tuồng, mũ mão, râu, hia…Ðến năm 2012, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lại tiến hành đặt hàng bộ sưu tập những mặt nạ tuồng đặc trưng phong cách Bình Ðịnh của Nhà hát Tuồng Ðào Tấn. Với bộ sưu tập mặt nạ Tuồng này thì Bảo tàng tỉnh đã có một sưu tập khá toàn diện về Tuồng Bình Ðịnh để giới thiệu đến khách tham quan.
Tháng 10.2016, Nhà hát Tuồng Ðào Tấn đã bàn giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh 3 mặt nạ Tuồng kích thước lớn (cao 3m, rộng 2,1m) theo phong cách mặt nạ tuồng Bình Ðịnh. Ba mặt nạ tuồng thể hiện hình tượng khuôn mặt của ba nhân vật Phàn Ðịnh Công, Khương Linh Tá và Tạ Ôn Ðình trong vở tuồng cổ Sơn Hậu và đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Ba mặt nạ tuồng Bình Ðịnh lớn nhất Việt Nam”. Hiện, ba mặt nạ Tuồng này đã được Bảo tàng xây dựng nhà trưng bày ngoài trời để trang trọng giới thiệu đến khách tham quan.
Ðược biết, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có hướng đầu tư để sớm có gian trưng bày chuyên về Tuồng Bình Ðịnh tại Bảo tàng, tại đây cùng với việc trưng bày, sẽ có khu vực trình chiếu một số trích đoạn, vở tuồng kinh điển, đặc sắc phục vụ khách tham quan.
NGUYÊN VIỆT