Từ chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở VH-TT:
Góp phần làm giàu đời sống văn hóa cho người dân nông thôn
Hơn 10 năm qua, Hội Nông dân tỉnh và Sở VH-TT (trước đây là Sở VH-TT&DL) đã duy trì chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, gia đình hướng về cơ sở. Hiệu quả của những hoạt động này đã có tác dụng tích cực giúp cho đời sống văn hóa của người dân nông thôn thêm phong phú, chất lượng.
Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa
Riêng ở lĩnh vực văn hóa, chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở VH-TT có 2 hoạt động nổi bật và được hai đơn vị quan tâm, đầu tư, duy trì lâu dài. Ðó là mạng lưới thư viện - tủ sách công cộng (TV - TSCC) hội nông dân bắt đầu xây dựng từ năm 2005 và Hội thi “Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa” diễn ra định kỳ 2 năm/lần.
Hội thi “Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa” là sân chơi mới hấp dẫn cho nông dân.
- Trong ảnh: Hội thi “Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa” lần 2 - 2016 tại TX An Nhơn.
Trải qua chặng đường 12 năm, khoảng thời gian đủ dài để thấy nỗ lực hai đơn vị phối hợp cũng như hiệu quả thực tiễn của hoạt động. Ðến nay, hệ thống TV-TSCC hội nông dân đã có mặt tại rất nhiều xã, thôn trong toàn tỉnh, với 46 TS và 1 TV (TV nông dân xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Trong đó, 41 TV-TSCC do Hội Nông dân tỉnh và Thư viện tỉnh phối hợp xây dựng, 6 TS (Vân Canh: 3, Tây Sơn: 2, Vĩnh Thạnh: 1) do Hội Nông dân huyện phối hợp với TV cùng cấp xây dựng.
Có thể nói, trong bối cảnh hệ thống TV cấp xã trong tỉnh ngày càng bị giảm sút về số lượng, tồn tại nhiều bất cập khiến hiệu quả hoạt động rất hạn chế thì sự ra đời và phát triển của mạng lưới này chính là giải pháp bù đắp khá hiệu quả.
Tuy mới qua 2 lần tổ chức (lần 1 - năm 2014 tại huyện Tuy Phước và lần 2 - 2016 tại TX An Nhơn), Hội thi “Nông dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa” được đánh giá là sân chơi mới hấp dẫn cho hội viên nông dân nói riêng, người dân nông thôn nói chung.
Với cách thức tổ chức kết hợp hài hòa giữa tính tuyên truyền và giải trí, Hội thi không những đạt hiệu quả tuyên truyền mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu, tranh tài văn nghệ, thể thao cho người trực tiếp tham gia cũng như khán giả. Với chủ trương tổ chức không nặng tính thi thố; nội dung thiết thực; hình thức thiên về văn nghệ, thể thao cho vui tươi, nhẹ nhàng; chú trọng tính đoàn kết, đồng đội; địa điểm tổ chức là đưa về xã, thôn để bà con nông dân tiện tham gia, cổ vũ… Ðiểm nổi bật từ 2 hội thi là không khí vui tươi, hào hứng, màu sắc giản dị, mộc mạc, đậm chất nông dân.
Theo “nhà tổ chức” - Hội Nông dân tỉnh và Sở VH-TT, hội thi sẽ tiếp tục được tổ chức tại những địa phương còn lại trong tỉnh (cấp huyện), đồng thời nỗ lực tìm cách để có thể tổ chức ở quy mô cấp xã, để gần với cơ sở hơn, nhiều người có cơ hội được tham gia hơn.
Một đầu việc nữa tuy đã kết thúc, không nằm trong nhóm hoạt động thường xuyên, dài hạn nhưng thể hiện rõ tính tiên phong, sáng tạo và tâm huyết trong xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn văn hóa cho giai cấp mình của Hội Nông dân tỉnh, đó là việc thực hiện sưu tầm hiện vật “tam nông” (phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh - đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở VH-TT). Tiến hành trong 2 năm 2013, 2014, thu hút sự tham gia đầy trách nhiệm của nhiều cán bộ hội nông dân các cấp và hội viên, chương trình trên đã thu lại hàng trăm hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt và lao động, sản xuất nông nghiệp của người nông dân Bình Ðịnh.
Tất cả vì hội viên và người dân nông thôn
Nói về quyết định duy trì, nhân rộng mô hình TV-TSCC hội nông dân, lãnh đạo hai đơn vị trên gọi đó là “tự đẻ thêm việc cho mình làm”. Tuy vậy, gặp nhau ở mục đích hướng đến: dần tạo thói quen đọc sách trong người dân nông thôn, góp phần nâng cao dân trí nông thôn và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, hai đơn vị xác định sát cánh, đồng lòng vượt khó, kiên trì để duy trì tổ chức, nhân rộng hệ thống thiết chế này.
Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kinh phí cho hoạt động của hội nông dân các cấp đều rất hạn hẹp, ưu tiên sử dụng cho hoạt động chuyên môn, thường xuyên, hoạt động phong trào thì phải chủ động, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ từ các ngành khác.
“Hội Nông dân tỉnh rất may mắn khi nhiều năm qua được Sở VH-TT chia sẻ, sát cánh trong nhiều hoạt động, hướng về người dân ở cơ sở. Ở cấp huyện, đáng ghi nhận có Hội Nông dân huyện Phù Mỹ, Tây Sơn… cũng duy trì tổ chức được nhiều sân chơi văn hóa, thể thao từ chương trình phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT huyện hay các ban, ngành, đoàn thể khác… Có thể thấy, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành năm 2011, “về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”) được các ngành tỉnh ta lĩnh hội, thực hiện tốt, điển hình như Sở VH-TT, đã tạo thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp tổ chức hoạt động phong trào”, bà Thanh Hương, chia sẻ.
SAO LY