Khẩn trương đối phó với dịch cúm gia cầm
Như tin báo Bình Định đã đưa, ngày 18.3, cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng thông báo các mẫu xét nghiệm lấy từ đàn vịt 2.000 con của một hộ chăn nuôi ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn có kết quả dương tính với vi-rút cúm A (H5N1). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, về các biện pháp đối phó với dịch cúm gia cầm (DCGC) đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở tỉnh ta.
Lực lượng thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Ảnh: N. HÂN
* Xin ông cho biết về diễn biến của DCGC trên địa bàn tỉnh ta thời điểm hiện nay?
- Từ đầu tháng 3.2013 đến nay, tình hình DCGC diễn biến khá phức tạp và có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ngày 8.3, đàn vịt tơ (45 ngày tuổi) của hộ gia đình ông Trần Chí Can ở khu vực 4, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn chết hàng loạt, có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình đã báo cáo tình trạng vịt chết cho cơ quan thú y theo dõi và có biện pháp điều trị.
Tuy nhiên, việc điều trị cho đàn vịt không mang lại hiệu quả nên đến ngày 15.3, lực lượng thú y đã tổ chức tiêu hủy đàn vịt, đồng thời lấy các mẫu dịch họng của đàn vịt bị bệnh gửi cơ quan thú y vùng 4 Đà Nẵng để xét nghiệm. Đến chiều ngày 18.3, cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng đã có thông báo kết luận về các mẫu xét nghiệm đều có kết quả dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1.
Bên cạnh đó, trong các ngày 16 và 17.3, cơ quan thú y cũng đã kiểm tra đàn vịt tơ (60 ngày tuổi) của ông Nguyễn Văn Thạnh ở Tuy Phước chạy đồng đến địa bàn phường Trần Quang Diệu, cũng mắc bệnh và chết hàng loạt. Hiện cơ quan thú y đã tiến hành tiêu hủy đàn vịt và đã lấy các mẫu xét nghiệm để gửi cơ quan thú y vùng 4 Đà Nẵng xác định dịch bệnh. Hiện nay, công tác bao vây, dập dịch đang được cơ quan thú y triển khai chặt chẽ. Để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, ngành chức năng đã tổ chức ra quân tiêu độc sát trùng các ổ dịch bệnh, xuất nguồn vắc-xin cúm gia cầm dự trữ để tiến hành tiêm phòng đàn gia cầm tại nơi xảy ra dịch và các vùng phụ cận để tránh lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, lực lượng thú y cũng tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện và dập tắt các ổ dịch mới phát sinh.
* Đối với các hộ chăn nuôi có gia cầm bị dịch bệnh, việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp nào thì tỉnh ta sẽ công bố DCGC, thưa ông?
- Hiện nay, để hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi bị mắc dịch cúm có gia cầm bị bắt buộc tiêu hủy, chính sách hỗ trợ được thực hiện theo Quyết định 32 của UBND tỉnh. Theo đó, đối với gia cầm có thời gian nuôi dưới 1 tháng tuổi được hỗ trợ 15.000 đồng/con; gia cầm nuôi từ 1-3 tháng tuổi được hỗ trợ 25.000 đồng/con; gia cầm nuôi trên 3 tháng tuổi được hỗ trợ 35.000 đồng/con.
Về việc công bố DCGC hay không, hiện Chi cục Thú y và ngành Nông nghiệp đang cân nhắc để tham mưu cho UBND tỉnh. Nếu tình hình dịch bệnh được khống chế tốt không phát sinh thêm các ổ dịch mới thì không nên công bố dịch vì sẽ ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi của người dân. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh bùng phát mạnh không kiểm soát được thì cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu, đề xuất tỉnh công bố dịch để nhanh chóng khống chế dịch bệnh.
* Hiện nay, Chi cục đang triển khai những biện pháp gì để có thể chủ động bao vây, dập tắt các ổ DCGC?
- Để chủ động phòng chống dịch, Chi cục Thú y đã xuất khẩn cấp 713 ngàn liều vắc-xin cúm gia cầm dự trữ tại đơn vị để hỗ trợ các địa phương ra quân tiêm phòng cho đàn gia cầm. Trong đó, ưu tiên tiêm phòng cho đàn vịt mới tái đàn, tổ chức tiêm tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi tập trung, các cơ sở sản xuất giống lớn. Chi cục cũng đã đề xuất Sở NN-PTNT, UBND tỉnh hỗ trợ khẩn cấp nguồn kinh phí trên 800 triệu đồng để mua 2 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm, thuốc sát trùng để tiêm phòng cho đàn gia cầm và phun thuốc tiêu độc sát trùng tại các ổ dịch, các địa điểm buôn bán gia cầm sống, các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, cơ quan thú y tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng chống DCGC, không vứt xác gia cầm chết, gia cầm bệnh ra môi trường, không nên ăn tiết canh, thực hiện việc ăn chín, uống sôi. Chi cục Thú y cũng đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông lập các chốt kiểm dịch ra vào tỉnh để ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển gia cầm bệnh, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc ra vào tỉnh; đồng thời, tăng cường kiểm soát, giám sát việc đưa vịt chạy đồng, quản lý chặt chẽ việc ấp nở gia cầm để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)