Cha không truyền, con không nối
Từ nhiều năm nay, công tác bảo tồn di sản nghệ thuật tuồng Bình Định vẫn tồn tại nỗi lo thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng kế cận khi việc tìm kiếm và thu hút người trẻ đến với tuồng rất khó. Ngay cả với hơn chục đoàn tuồng không chuyên, số lượng diễn viên trẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là hình thức đào tạo lực lượng kế cận theo kiểu “cha truyền con nối” như trước đây đã không còn. Nhiều nghệ sĩ tuồng không chuyên chia sẻ, con cái của họ dù có năng khiếu nghệ thuật, cũng không chịu theo nghiệp cha mẹ vì vừa khó vừa khổ. Một số nghệ sĩ tuồng cũng không muốn con mình nối nghiệp trong tình hình nghệ thuật truyền thống ngày càng mai một…
Biên đạo Hoàng Việt cho biết, khi vào TP Nha Trang tập huấn hội đánh bài chòi cổ, đã rất ngạc nhiên khi người học là thành viên của một đoàn tuồng không chuyên hoạt động khá tốt thuộc quản lý của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Điều đặc biệt, các thành viên của đoàn tuồng này là một “đại gia đình” với vợ chồng, con cái, dâu rể… trong đó có nhiều diễn viên trẻ triển vọng; và điều này không phải là cá biệt ở Khánh Hòa.
Trò chuyện với vợ chồng nghệ sĩ Kiều Oanh, Trưởng Đoàn tuồng An Nhơn 2, một trong những trường hợp hiếm hoi hiện có 2 con theo nghiệp diễn viên tuồng, họ cũng chia sẻ ở Khánh Hòa có khá nhiều đôi vợ chồng có con cái cùng theo nghiệp diễn, có trường hợp cả cha mẹ và 4-5 người con đều là diễn viên tuồng. Tuồng không chuyên tỉnh Khánh Hòa vì thế có được lực lượng diễn viên trẻ. Còn Bình Định là đất tuồng, nhưng hầu hết các đoàn tuồng không chuyên đang ở tình trạng “tre đang già mà măng không mọc”.
Theo tìm hiểu, các đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên ở Khánh Hòa cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động như các đoàn tuồng Bình Định. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng động viên con cháu theo nghề. Từ thành công của đoàn này đã kéo theo nhiều đoàn khác cùng làm. Lực lượng diễn viên trẻ là “con nhà tông” ít nhiều ban đầu đã được trao truyền tâm huyết, thừa hưởng “gien nghệ thuật” nên có nhiều động lực, điều kiện để gắn bó lâu dài với nghiệp tuồng.
Hình thức đào tạo này ở các đoàn tuồng không chuyên Bình Định đã không nhận được sự quan tâm, động viên hoặc có hình thức hỗ trợ cần thiết, dẫn đến tình trạng “cha không truyền, con không nối” cũng là điều tất yếu.
MAI THƯ