Những người trẻ làm “cầu nối” lịch sử
Hơn 5 năm trở lại đây, nhiều gương mặt trẻ được bổ sung vào lực lượng làm nhiệm vụ thuyết minh ở các bảo tàng, khu di tích tại các địa phương trong tỉnh. Họ đã từng bước đảm nhận hiệu quả vai trò quan trọng cung cấp nhiều thông tin chính xác, tươi mới; giúp cho khách thăm quan hiểu được giá trị về văn hóa - lịch sử của di tích, hình ảnh, hiện vật.
Chị Nguyễn Thị Nhân đang hướng dẫn học sinh thăm quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Bổ sung lực lượng trẻ
Thực hiện chủ trương “trẻ hóa” nhân lực , Phòng Trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng tổng hợp tỉnh hiện có 5 thuyết minh viên từ 24-35 tuổi. Mỗi thuyết minh viên được phân công chuyên trách một phòng trưng bày và phải có sự nắm bắt chung về các phòng còn lại trong Bảo tàng để khi cần có thể phục vụ khách.
Chị Nguyễn Thị Nhân (35 tuổi), Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trưng bày và Tuyên truyền, chia sẻ: “Tôi đảm nhận công việc thuyết minh đã được 6 năm. Trong phòng, có các đồng nghiệp vào cùng lúc với tôi, cũng có người làm sau vài ba năm. Trước đây từng có thời gian làm giáo viên, nên ban đầu tôi vận dụng khả năng sư phạm và ngành học của mình là sử để thuyết minh. Sau đó học hỏi, điều chỉnh dần việc thuyết minh theo hướng linh hoạt, tuỳ hoàn cảnh, thời gian và đối tượng, mục đích tham quan của khách mà có cách thuyết minh phù hợp”.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT), Ban Quản lý di tích tỉnh đã tuyển chọn được 3 thuyết minh viên túc trực hằng ngày ở các di tích tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (TX An Nhơn), tháp Dương Long (huyện Tây Sơn), để giới thiệu về các tháp Chăm độc đáo của Bình Định đến với du khách trong nước và quốc tế. Các thuyết minh viên này từ 31-33 tuổi, được đào tạo các ngành liên quan đến công việc, nhà đều ở không xa khu vực di tích nên thuận lợi cho việc đi làm. Họ được Ban Quản lý di tích tỉnh quan tâm về chế độ, tạo điều kiện thuận lợi tham gia các lớp tập huấn bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng thuyết minh.
Chị Lâm Diệu Nga (31 tuổi), thuyết minh viên ở tháp Cánh Tiên, tâm sự: “Quê tôi ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn. Thời còn học sinh cũng hay vào chơi khu vực tháp Cánh Tiên khi ấy còn hoang sơ. Theo học ngành Quản lý văn hóa ở Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, tôi đã thực hiện đề tài nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của vương quốc Champa... Từ năm 2013, tôi về làm thuyết minh ở tháp Cánh Tiên. Đây là mối cơ duyên của tôi với ngôi cổ tháp độc đáo của quê hương, nên càng phải có trách nhiệm hơn trong công việc”.
Chịu khó học hỏi, nâng cao kỹ năng
Các thuyết minh viên trẻ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được đào tạo các chuyên ngành bảo tàng, lịch sử, ngoại ngữ, hiện chưa có ai được đào tạo bài bản về công tác thuyết minh. Khi mới đảm nhận công việc, họ gặp không ít khó khăn, đã nỗ lực vượt khó bằng sự học hỏi, rèn luyện. Chị Trần Thị Duyên (29 tuổi), thuyết minh viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, thẳng thắn nhìn nhận: “Tốt nghiệp cử nhân ngành Sử của Đại học Quy Nhơn, tôi được nhận về công tác ở Bảo tàng được 6 năm. Lúc mới vào gặp nhiều khó khăn như nói nặng giọng địa phương, kỹ năng thuyết minh còn hạn chế và chưa phù hợp cho từng đối tượng khách. Kiến thức chưa nhiều nên gặp khách đến nghiên cứu, chuyên sâu ở Bảo tàng thì những người thuyết minh trẻ như tôi còn e ngại”.
Chị Duyên cũng như các thuyết minh viên trẻ khác đã tự rèn giọng bằng cách dành nhiều thời gian tự tập nói một mình, rồi nhờ những đồng nghiệp từng có nhiều thâm niên kinh nghiệm khi đảm nhận công tác thuyết minh quan tâm hướng dẫn, góp ý thêm. Sau khi thuyết minh, chị Duyên còn dò hỏi ý kiến nhiều đoàn khách khác nhau và nhận được nhiều góp ý chân thành, thiết thực để chỉnh sửa cách thuyết minh cho phù hợp, hiệu quả.
“Tìm hiểu tài liệu, đọc được bất cứ nội dung, vấn đề gì liên quan đến công việc thuyết minh thì tôi đều ghi chép lại cẩn thận để bổ sung kiến thức”, chị Duyên cho biết thêm.
Gặp gỡ, tìm hiểu công việc của các thuyết minh viên ở các di tích tháp Chăm, điều đáng ghi nhận là tuy họ chưa có nhiều thâm niên kinh nghiệm, hoạt động độc lập tại di tích nhưng có ý thức trách nhiệm cao với công việc, chịu khó tìm tòi nhiều nguồn tư liệu, ghi nhận các ý kiến của khách để tự bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng thuyết minh của mình.
Anh Nguyễn Ngọc Tiến (31 tuổi), làm thuyết minh viên ở tháp Bánh Ít từ năm 2012, chia sẻ: “Tôi học ngành Quản trị du lịch ở TP Hồ Chí Minh. Để phục vụ công việc, tôi tìm kiếm, học hỏi thông tin từ nhiều nguồn tư liệu như của cơ quan cung cấp, tìm hiểu thêm các tài liệu ở thư viện, trên mạng internet... và từ một số nhà nghiên cứu quốc tế đến tháp Bánh Ít với những góc nhìn, đánh giá thể hiện có điểm khác với giới nghiên cứu trong nước. Từ đó, tổng hợp thông tin theo “cách của mình” để khi thuyết minh cung cấp thông tin một cách khoa học, phong phú, đưa ra những góc nhìn đa chiều của nhiều nhà nghiên cứu không chỉ về lịch sử, kiến trúc, mà còn lồng ghép mở rộng về nhiều vấn đề liên quan để tạo sự sinh động, hấp dẫn, cuốn hút đối với từng đối tượng khách”.
HOÀI THU