“Xẻ thịt” núi Bà
Gần đây, hàng chục người ngang nhiên vào núi Bà - khu vực thuộc địa phận thôn Lộc Khánh, xã Cát Hưng (Phù Cát) xẻ núi, khai thác đá trái phép. Hoạt động này đe dọa trực tiếp đến cảnh quan môi trường, đời sống người dân và dấu tích của một vùng căn cứ cách mạng.
Một “đá tặc” đang dùng khoan máy “xẻ thịt” một tảng đá lớn nằm lưng chừng núi Bà.
Những ngày đầu tháng 3.2017, chúng tôi tìm về thôn Lộc Khánh để “mục sở thị” hoạt động khai thác đá trái phép đang diễn ra tại đây. “Công trình” khai thác nằm cách QL 19B chừng hơn 100 m. Nhiều tảng đá to nằm ở lưng chừng núi đã bị “xẻ thịt” không thương tiếc.
Hiện nay, nhiều “đá tặc” còn góp tiền mua máy nổ chạy máy khoan để xẻ núi thay cho dùi, đục thủ công. Những tảng đá to bị khoan máy xuyên thủng, tách rời thành từng mảng, sau đó các thợ đá dùng búa, đục đẽo gọt vuông vức thành đá chẻ xây dựng, tập kết thành đống chờ đầu nậu tới mua.
Mỗi ngày, ước có hàng chục người dân địa phương làm nghề này. Để thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển đá thành phẩm, họ còn thuê máy đào phá núi, mở nhiều con đường khá bằng phẳng. Nhiều vách núi bị đào bới tung tóe; dấu vết của cây cối, đá núi nhiều chỗ đã biến mất, thay vào đó là những vệt đất sâu nham nhở. Trong vai người đi đào cây cảnh, chúng tôi lân la bắt chuyện với nhóm thợ đang đục, đẽo đá. Một người trong nhóm cho biết, những người khai thác đá hầu hết đều ở thôn Lộc Khánh; tranh thủ lúc nông nhàn, vào núi Bà khai thác đá bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày, một người có thể chẻ, đẽo khoảng 40 - 50 viên đá thành phẩm, bán tại bãi giá 5.000 đồng/viên.
Dẫu “đá tặc” nói chỉ tranh thủ nông nhàn, nhưng theo chúng tôi tìm hiểu thì hoạt động này hầu như diễn ra quanh năm. Hàng chục người đua nhau vào xẻ núi lấy đá, khiến một vùng núi rộng lớn bị tàn phá nghiêm trọng. Ông Đỗ Văn Long, ở thôn Chánh Đạt, xã Cát Tiến (Phù Cát), cho biết: “Khu vực mà nhiều người đang khai thác đá nằm tiếp giáp với thôn Chánh Đạt. Trước, nơi này có nhiều hòn đá tảng rất lớn, nhưng nay đã bị “xẻ thịt” gần hết. Dân chúng tôi bức xúc, nhiều lần báo cáo chính quyền địa phương và ngành chức năng nhưng chẳng thấy kết quả gì. Khai thác đá trái phép vẫn tiếp diễn ngày này qua ngày khác”.
Máy nổ phục vụ cho khoan máy được tập kết tại khu vực mỏ khai thác đá trái phép.
Ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, xác nhận: “Địa phương rất đau đầu trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác đá trái phép tại khu vực núi Bà thuộc địa phận thôn Lộc Khánh. UBND xã nhiều lần ra quân kiểm tra, lập biên bản xử lý, nhưng các đối tượng thường đối phó bằng cách tẩu tán tang vật, bỏ của chạy lấy người. Chúng tôi cũng đã mời các đối tượng khai thác đá trái phép đến làm việc, yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, vì nghề này mang lại thu nhập khá nên họ vẫn chây lì, tiếp tục làm”.
Chúng tôi liên hệ với ông Tạ Công Thượng - Trưởng Phòng TN-MT huyện Phù Cát- để tìm hiểu thêm về hoạt động khai thác đá trái phép đang diễn ra tại thôn Lộc Khánh, nhưng ông Thượng nói, muốn tìm hiểu thì liên hệ với Chủ tịch UBND xã Cát Hưng; việc quản lý thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Có thể thấy, với tình trạng hiện nay thì việc ngăn chặn, xử lý nạn khai thác đá trái phép tại khu vực núi Bà thuộc địa phận thôn Lộc Khánh còn lâu mới chấm dứt. Bởi chính quyền địa phương “kêu khó”, “đau đầu”, trong khi cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản cấp huyện “chỉ” cho địa phương. Còn đáng buồn hơn ở chỗ, núi Bà có diện tích khoảng 40km2 nằm trọn trên địa phận huyện Phù Cát với quần thể núi gồm 66 đỉnh, có 80 di tích được chia thành 29 khu vực, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2005, đang bị phá hủy.
V.LỰC