Xây dựng mô hình học tập cộng đồng: Từ kinh nghiệm của Hoài Ân
Sau 2 năm triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Ðơn vị học tập với các tiêu chí mới, huyện Hoài Ân đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều nguồn để phát triển các mô hình học tập phù hợp với thực tế địa phương.
Dòng họ Phan ở thôn An Hậu, xã Ân Phong là một trong những dòng họ học tập tiêu biểu của huyện.
Năm 2016, toàn huyện có 4.690 Gia đình học tập (chiếm gần 70% so với tổng số hộ đăng ký đạt danh hiệu này), 10 Dòng họ học tập (gần 50%), 40 Cộng đồng học tập (50%), 37 Đơn vị học tập (hơn 80%), 2 xã Ân Phong và Ân Thạnh được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình Cộng đồng học tập cấp xã cũng “về đích” đúng kế hoạch. 4 mô hình: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập thật sự có ý nghĩa, giá trị thực tế với người dân ở Hoài Ân.
1.
Theo ông Giang Trung, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân, từ năm 2015, Hội Khuyến học huyện đã chọn 5 đơn vị chỉ đạo điểm theo các mô hình, và các chi hội cơ sở đã chọn 27 chi hội thôn, trường học để chỉ đạo điểm 4 mô hình kể trên. Từ kết quả 100% chỉ đạo điểm đạt được danh hiệu, đến đầu năm 2016, Hội Khuyến học huyện triển khai rộng rãi các mô hình xuống tận gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị.
Đồng thời, Hội cũng tham mưu ban chỉ đạo huyện chọn 2 xã Ân Phong và Ân Thạnh làm đơn vị chỉ đạo điểm việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã”. Từ kế hoạch hướng dẫn của huyện hội, hầu hết hội cơ sở đã triển khai đến từng gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị trên địa bàn.
“Nhìn chung công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, xác định các đơn vị chỉ đạo điểm được tiến hành kịp thời, các đơn vị sớm xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình sau khi tiếp thu, tập huấn cấp tỉnh và hướng dẫn triển khai của huyện”, ông Giang Trung nhìn nhận.
2.
Với mong muốn từng người dân phải được hiểu đúng, hiểu đủ ý nghĩa các mô hình học tập, Hội Khuyến học huyện Hoài Ân đã tiến hành biên soạn toàn bộ nội dung tuyên truyền về Xã hội học tập, Gia đình học tập, sau đó tổ chức hướng dẫn các hội cơ sở thực hiện.
Tại các xã, Hội Khuyến học xã phối hợp với các đoàn thể lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động của hội nghị ban chấp hành, ban chỉ đạo xã, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, sinh hoạt ở khu dân cư. Nhờ vậy, mọi người dân đều hiểu được, nắm được các nội dung cần thiết.
Với 1.106 hộ (gần 50% tổng số hộ trong toàn xã) đăng ký, năm 2016, xã Ân Phong là xã thuộc nhóm có nhiều hộ gia đình đăng ký đạt danh hiệu Gia đình học tập nhất huyện. Ông Hoàng Ngọc Hương, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ân Phong, cho biết: Cùng với việc tích cực phối hợp với các hội đoàn thể, chúng tôi còn tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ hội ở cấp thôn để cùng nhau tuyên truyền đến từng người dân.
Tìm kinh phí để tổ chức thực hiện là khó khăn phổ biến ở nhiều địa phương, Hoài Ân đã tìm nhiều cách để tháo gỡ hiệu quả. Ở cấp xã, đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí thực hiện, phải chật vật sử dụng một ít từ nguồn hoạt động hàng năm được UBND xã hỗ trợ (3,6 triệu đồng/năm).
“Tốn kém nhất là việc in ấn biểu mẫu. Hiện nay, đa số xã đã vận động được các trường học đóng trên địa bàn hỗ trợ việc này. Nhờ vậy, việc đánh giá, chấm điểm, thống kê, đánh giá kịp thời và chính xác, tạo niềm tin của người dân”, ông Giang Trung cho biết.
Ông Đặng Phùng Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh, nhận xét: Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân, nỗ lực của các cấp hội khuyến học ở Hoài Ân trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình học tập. Những kết quả mà Hoài Ân đã gặt hái được sẽ tạo tiền đề vững vàng để các cấp hội khuyến học huyện tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt hơn trong những năm tới.
NGỌC TÚ