“Tiết học lịch sử tại Bảo tàng”
Năm 2017, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cùng Phòng GD&ĐT Quy Nhơn tổ chức chương trình “Tiết học lịch sử tại Bảo tàng” dành cho học sinh bậc học tiểu học và THCS trên địa bàn TP Quy Nhơn. Đây là một nội dung trong Kế hoạch phối hợp giữa Bảo tàng Tổng hợp tỉnh với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn về đẩy mạnh học tập, giáo dục truyền thống.
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn trong tiết học chủ đề “Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Với nội dung này, Bảo tàng đã đưa ra 10 chủ đề phù hợp với chương trình chính khóa và phù hợp với nội dung trưng bày tại Bảo tàng. Cụ thể: Chủ đề về Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2); Ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31.3); Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4); Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5); Những mẩu chuyện về Bác Hồ và gia đình Bác; Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2.9); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12); Gương các anh hùng Bình Định trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Chương trình “Tiết học lịch sử tại Bảo tàng” không chỉ tạo môi trường học lành mạnh bổ ích, giúp học sinh hứng thú và tâm huyết với bộ môn lịch sử đang học trên ghế nhà trường, mà còn hướng dẫn một cách khéo léo, sinh động về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Đồng thời, chương trình góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục của Bảo tàng, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Bảo tàng với đối tượng học sinh. Đến nay, đã có nhiều trường đăng ký tham gia tiết học ngoại khóa này.
Đến với khóa học, các em được hướng dẫn viên Bảo tàng giới thiệu về những mốc lịch sử, thời gian và ý nghĩa theo từng nội dung chủ đề. Với việc học theo chủ đề như vậy, các em sẽ không đi xem dàn trải hết tất cả các không gian trưng bày của bảo tàng mà chỉ tập trung tại khu vực trưng bày nhất định tùy theo chủ đề đã đăng ký. Trong quá trình tham gia tiết học, các em sẽ nêu vấn đề, nghe giải thích và trao đổi, phát biểu ý kiến.
Những câu hỏi gợi mở sẽ giúp các em thêm tự tin, chủ động và hăng hái xung phong khi thể hiện những ý kiến của mình. Ở đây thông tin và tri thức sẽ lưu chuyển theo nhiều hướng chứ không máy móc theo dòng chảy một chiều “trao- nhận”. Kết thúc buổi học, cán bộ Bảo tàng sẽ tổng kết bài học và đưa ra các câu hỏi liên quan đến nội dung của chủ đề. Với hình thức vừa học vừa chơi, hoạt động giao lưu giữa Bảo tàng với các em học sinh và nhà trường ngày càng gần gũi và thắt chặt hơn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp, phụ trách công tác Trưng bày tuyên truyền của Bảo tàng, chia sẻ: “Đây là đối tượng và hình thức giáo dục mà chúng tôi mong muốn nhất. Chúng tôi muốn các em thoải mái khi đến với “Tiết học lịch sử tại Bảo tàng” và từ đó có thể thêm yêu mến bộ môn lịch sử. Vừa học lịch sử, vừa trải nghiệm thực tế qua những hình ảnh trực quan sinh động được trưng bày tại Bảo tàng, các em sẽ có hứng thú hơn với việc tìm hiểu lịch sử đất nước con người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Sau gần 2 năm triển khai hoạt động này, đã có hơn 25 trường tiểu học, THCS trong địa bàn thành phố đến tham quan, tìm hiểu về bảo tàng và di tích. Chúng tôi cũng đã đúc kết nhiều kinh nghiệm hay và điều chỉnh để các em ngày càng thêm yêu mến và thích thú khi đến với “Tiết học lịch sử tại Bảo tàng”.
THÙY LINH