Lăng mạ người khác trên mạng có thể bị đi tù
Mạng xã hội có phải là nơi tự do chia sẻ mọi cảm xúc, suy nghĩ của mỗi cá nhân? Nếu xúc phạm, lăng mạ người khác trên mạng xã hội bị xử lý ra sao?
Chia sẻ về tình huống pháp lý này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Công ty luật Hoàng Sa, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay trên không gian mạng, không gian Internet, đặc biệt là mạng xã hội, việc quản lý các không gian mạng đối với các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền là rất khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định liên quan đến việc xử phạt đối với những hành vi đăng trạng thái nói xấu, lăng mạ, làm nhục nhằm hạ uy tín những cá nhân, tổ chức khác trên mạng xã hội.
Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Ở các Luật công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự đều có những quy định nhằm bảo vệ những cá nhân tổ chức trước sự lăng mạ, hạ nhục, nói xấu nhằm hạ uy tín của những cá nhân, tổ chức.
PV: Việc xử phạt các vi phạm trên mạng xã hội được quy định ra sao?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Về quy định xử phạt hành chính hiện được áp dụng tại Nghị định 174 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 quy định 2 mức xử phạt: phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi ở mức nhẹ và mức cao nhất từ 20-30 triệu đồng đối với những hành vi cung cấp thông tin sai lệch mang tính chất vu khống, xuyên tạc.
Trường hợp các cá nhân vi phạm ở mức gây hậu quả nghiêm trọng có tính chất chuyên nghiệp, thường xuyên có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
PV: Trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nói xấu, chửi bới, lăng mạ người khác trên mạng xã hội?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Pháp luật hình sự quy định, trường hợp vi phạm nặng có thể hiểu là một cá nhân chỉ trích, lăng mạ, chửi bới, xúc phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức khác có tính chất nhiều lần, gây ra với nhiều người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; hành vi đó trên cơ sở lợi dụng chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 121 tội làm nhục người khác; Điều 122 tội vu khống người khác. Mức xử phạt tù cao nhất đối với hành vi làm nhục người khác có thể đến 3 năm tù; đối với tội vu khống có thể đến 7 năm tù.
PV: Trường hợp một cá nhân nói xấu, bịa đặt, bôi nhọ một tổ chức, cơ quan, đơn vị trên mạng xã hội thì bị xử lý như thế nào?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Hành vi nói xấu, bôi nhọ, bịa đặt đối với một cơ quan, tổ chức, đơn vị trên mạng xã hội sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, mức xử phạt cao nhất lên tới 30 triệu đồng.
PV: Có trường hợp không trực tiếp lăng mạ người khác trên mạng xã hội nhưng lại bình luận nội dung nào đó với mục đích lăng mạ người khác. Việc bình luận này có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Những hành vi này về bản chất đều giống nhau và đều là hành vi trực tiếp lăng mạ, làm nhục, nói xấu, nói sai sự thật nhằm hạ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Hành vi này rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính cũng như pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, để chứng minh được hành vi người ta bình luận mang tính chất xúc phạm và gây hậu quả nghiêm trọng, phải xem xét đến nội dung và mức độ, mục đích của bình luận đó có thật sự gây hậu quả hoặc tính chất của bình luận đó gây ra với người bị xúc phạm như thế nào.
PV: Giả mạo mạng xã hội hoặc đánh cắp tài khoản của người khác để xúc phạm, xuyên tạc, danh dự của một ai đó có bị xử lý hay không và có bị xử lý đồng thời với hành vi ăn cắp thông tin, mạo danh và hành vi làm nhục danh dự, nhân phẩm người khác hay không, thưa luật sư?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Trường hợp này cũng có thể bị xử lý hành chính bởi theo quy định của Hiến pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, quy định đời sống cá nhân, bí mật riêng tư, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Điều 64 Nghị định 174 cũng quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với những hành vi giả mạo trang tin điện tử của tổ chức, cá nhân, hoặc giả mạo trang mạng xã hội nhằm nói xấu, gây mất uy tín của người khác.
PV: Nạn nhân của những vụ lăng mạ, xúc phạm trên mạng xã hội phải khiếu nại đến cơ quan nào để bảo vệ chính bản thân mình?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Hiện nay cơ quan quản lý những nội dung, hoạt động trên mạng Internet, đặc biệt mạng xã hội thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin-Truyền thông và Sở Thông tin-Truyền thông các địa phương. Khi danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại, các bạn cần có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan có thẩm quyền để họ vào cuộc, giúp bạn bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Bạn cũng có thể gửi đơn tố cáo khiếu nại đến cơ quan công an gần nhất, trong thẩm quyền của mình họ sẽ điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của những cá nhân vi phạm./.
Theo VOV