Con mèo biết chơi đàn ghi-ta
* Truyện ngắn của NGUYỄN ANH NHẬT
Căn gác lửng bày bừa lộn xộn trong tích tắc đã biến thành “cửa thiên văn” của hai người. Chàng trai hăm mốt, cô gái mười tám. Mưa ngoài kia rơi nhẹ đều. Anh ngồi chông chênh trên khung cửa sổ, chiếc áo len rộng thùng phủ gần nửa gương mặt chỉ để lộ đôi mắt đang nheo khẽ, cả biển trời thờ thẫn. Chiếc ghế đẩu bên cạnh anh thi thoảng lại kiễng chân, cô gái bên cạnh anh thi thoảng lại nhoài người ra ngoài khung cửa.
- Hình như đôi chim kia lạc bầy kìa anh.
- Là chúng nó tự tách bầy đó thôi, lạc thế quái nào được.
Cô ngẩn người hồi lâu.
- Em ước được là chim.
- Bằng tuổi mày đứa nào chả mong thế, chưa biết đời khắc nghiệt thế nào…
- Anh không thích à? Chúng bay trong mưa mát vậy mà…
- Cánh nặng trịch nước mưa chứ được gì!
Anh kéo thấp cổ áo, đưa tay nhón miếng bánh quy.
* * *
Hạnh là em họ, con của người chú cách nhà anh vài dãy phố. Hạnh dễ thương, gương mặt phúc hậu, cô cũng là người bạn thân duy nhất suốt thời niên thiếu của anh. Anh nhớ mãi những chiều mưa bay, ngồi trong phòng rồi chợt nghe tiếng Hạnh trong veo ngoài cửa:
- Con chào bác, con đến nghe anh Bách chơi ghi-ta.
Khi đó dù vừa bị bố mắng anh cũng hí hửng chạy ra đón Hạnh, cả hai lại trèo lên căn gác xép. Nơi này bày đủ loại tranh, màu, cọ vẽ của bố anh. Bên cạnh công việc của nhân viên bưu tá thời cũ, ông Đẳng -
ba của Bách - còn là họa sĩ nghiệp dư. Ông sống lầm lũi cùng anh bằng lương hưu và số tiền để dành. Căn nhà nhỏ ọp ẹp vắng tiếng phụ nữ, cũng may Hạnh đến với anh, với ông lão. Cuộc sống sẽ đỡ hơn nhiều nếu bố chịu nhận khoản chu cấp từ một ngưòi quen nào đó của bố ở nước ngoài. Lúc bố anh ốm, Hạnh xông xáo chăm sóc ông như con cái trong nhà trước cái nhìn ái ngại đầy bối rối của anh. Hạnh quen mùi từng góc nhỏ trong căn nhà, mùi hương ẩm ương, thơm cọ vẽ sực vào mũi cô mỗi khi chạm cửa. Đó cũng là mùi đặc trưng của con mèo ấm áp, lại ủ dột kiểu kỳ lạ. Và tiếng ghi-ta thùng dịu ngọt từng buổi trưa làm Hạnh say chếnh choáng, con mèo ấy lại càng thú vị. Cứ thế họ lớn lên cùng nhau, anh coi Hạnh như em ruột. Có lần anh bảo:
- Hạnh này, em là con gái nhà lành, định yêu thằng nào nhớ hỏi ý kiến anh, tao “ngửi” cho. Cẩn thận đấy, kẻo vô phúc vớ phải một thằng như tao thì khốn!
Hạnh bật cười vì cái giọng ráo hoảnh của anh.
- Anh đúng là con mèo trơ tráo, cẩn thận có ngày gãy vuốt đấy.
Bách cười khùng khục, chả giận.
- Gãy thế quái nào đựơc, mày ngu lâu quá nhóc ạ!
Hạnh đỏ mặt, gằn mắt nhìn anh. Bách vội đấu dịu:
- Ôi dào, riêng cái đám khó đào tạo đến giờ vẫn đắm đuối Puskin với Lermontov như mày thì không nhóc ạ!
Cô phì cười, giơ nắm đấm trước mặt đe anh. Bách làm bộ sợ sệt rồi mau chân phi xuống nền nhà.
- Dạo này Hạnh đẹp hẳn ra đấy. Đang yêu hả?
Hạnh ngượng ngùng véo vào hông anh một phát. Bách là một gã đào hoa nếu không muốn dùng tính từ có vẻ chợ búa hơn đó là “sát gái”. Đám bạn gái thân của Hạnh ở lớp nhiều đứa chết mê cái anh chàng hứng lên lại đến trường đón cô. Cô cũng phải công nhận là ông anh của mình điển trai thật, một con mèo đỏm dáng với dáng vẻ bất cần, đôi mắt hay lim dim nhưng thực ra lão đang “tăm tia” bán kính đến cả vài chục mét. Lễ tri ân nhà giáo năm vừa rồi, cả khóa mười hai của Hạnh có dịp ngắm anh vừa chơi ghi-ta vừa hát bản “Phượng hồng” với tư cách là một cựu học sinh. Chàng trai với làn da bánh mật rắn chắc, mái đầu cắt tỉa gọn gàng, chẳng ai hình dung ra một con mèo thành tinh đang trú thân trong vẻ bề ngoài nghiêm túc, ngoan ngoãn kia. Hạnh có đem chuyện đám con gái trong lớp kể với Bách, lão làm mặt nhăn nhó, bĩu môi:
- Xin lỗi mày chứ anh không thích chuột nhắt!
Hôm ấy vì quá quen với hình ảnh Bách nên Hạnh ngồi nói chuyện với Tú, một cậu bạn cùng lớp. Tú hỏi cô:
- Hạnh không hứng thú với lão chơi ghi-ta trên kia à?
Cô cười thầm trong lòng, cố làm vẻ thực tình:
- Không, có vẻ gu của tớ không giống với mấy đứa con gái lớp mình.
Thế nhưng không ít lần cô lén nhìn lên phía anh, chộn rộn theo từng giai điệu, chộn rộn theo từng thay đổi nhỏ trên gương mặt có phần khắc khổ của anh. Một đặc điểm bí ẩn không phải ai cũng nhận ra, trừ cô. Rất nhiều lần cô nhìn kỹ gương mặt ấy, lúc vô tình sang chơi khi anh đang ngủ, hay lúc anh nhắm mắt đắm theo từng giai điệu của bài hát - những bản nhạc trữ tình anh vẫn đàn cho cô nghe trong những buổi chiều mát. Cô nhận ra có gì đó man mác buồn trên gương mặt ấy. Cô không cho đó là điểm duy nhất Bách thừa hưởng từ bác Đẳng, gương mặt bác tuy cũng có nét kham khổ nhưng nó không giống anh.
Ấy vậy mà gần hai tuần nay cô và anh không nói chuyện. Chẳng biết anh bận gì mà mỗi lần Hạnh tới đều không gặp. Bác Đẳng cũng lo sốt vó vì mấy ngày nay anh không về nhà, bác cũng chẳng nghe anh bảo đi đâu, chỉ biết nhờ cô tìm giúp. Hạnh đến những chỗ làm thêm cũ của anh, không có. Vài lúc vô tình chạm mặt trên đường, anh cũng có vẻ lạ hơn mọi khi, toàn bảo bận rồi vội vàng đi mất.
Như thể phút chốc bị cướp mất điều gì đó tuyệt vời, hệt như thói quen thường trực, Hạnh đâm ra nhớ những câu chuyện phiếm nhạt của hai người. Cô mỉm cười khi nghĩ tới gương mặt Bách khi đối diện với bác Đẳng, nhớ bầu trời được cắt xén gọn ghẽ mỗi khi trèo lên gác, nơi bình yên tuyệt đối cô có thể tìm được. Hạnh cũng trông thấy anh có vẻ gầy hơn lúc trước, hốc mắt hoắm sâu, mồm mép không còn cay độc trào phúng như trước nữa. Trong chút ít thời gian hiếm hoi gặp nhau ở đoạn đường gần trường, cô hỏi Bách một cái hẹn. Khó khăn lắm anh mới chấp nhận, trái khế cổ anh như giãy giụa trong thanh quản.
Hạnh đến thì thấy anh ngồi đó từ lâu, lặng im như một pho tượng. Ánh mắt lim dim vẫn còn nhưng giờ không đảo điên xung quanh dè chừng lũ “chuột” nữa, nó như đang đuổi bắt một điểm mù nào đó xa tít, ghim chặt vào cột nước phun mải miết của quán cà phê quen.
- À, Hạnh đến rồi!
Anh như rướn người về phía trước, khẽ reo. Hạnh mỉm cười, kéo ghế nhẹ nhàng nhưng vẫn chưa kịp ngồi xuống.
- Anh đến lâu chưa?
- Cũng mới thôi.
Bầu không khí xung quanh như đang đặt trên ngọn lửa, Bách liên tục nhổm người, tay chân anh vẫn chưa tìm được một tư thế thoải mái. Hạnh ngồi lặng ở đó, trông theo anh, lòng buồn chua chát.
- Anh Bách này…- Hạnh mở lời, giọng cô nhẹ như không, như đang thả sương làm dịu chốn này.
- Hạnh hẹn anh ra đây có chuyện gì à?
Câu chuyện như bị chặt đứt từng đoạn, có cảm tưởng như mỗi lần khựng sững, tất cả lại dồn nén đến ngạt thở. Cả cô, cả anh đều sắp chịu không nổi bởi áp lực mà cả hai vô tình tạo ra, như một sự bất đắc dĩ nghẹn lòng.
- Anh biết chuyện từ lúc nào?
Anh chợt giật mình, mặc dù sớm biết rằng Hạnh sẽ hỏi chuyện này, dẫu vậy anh vẫn hơi bồi hồi trước cô gái nhỏ nhắn trước mặt. Giọng Hạnh cứng rắn quá, như muốn xé toạc con người anh. Anh từng thấy cô mỏng manh, mềm yếu đến nhường nào cơ mà! Rối ren.
- Anh cũng mới biết, vô tình thôi Hạnh à…- Anh cố giữ giọng mình thật bình tĩnh.
Hạnh siết nhẹ hũ sữa chua rỗng không:
- Bác Đẳng không có lỗi gì cả, anh đừng đường đột bỏ đi như vậy… Với lại đừng tránh em...
Bách như trấn an được bản thân, anh cười mệt mỏi. Cuộc trò chuyện sau đó trở nên dễ dàng hơn mặc dù vẫn có những ngại ngùng, dè dặt hiếm thấy từ trước giờ của hai người. Khi mà cả Bách và Hạnh đều “khám phá” ra rằng hai người chẳng hề chung với nhau tí máu mủ nào. Vài ngày trước, lúc qua nhà tìm anh, bác Đẳng đã kể cô nghe mọi chuyện, rằng ông đã cố tình để Bách thấy bức ảnh hai cha con anh chụp ở trại trẻ mồ côi mười tám năm trước. Sau khi người vợ dắt đứa con trai sáu tuổi sang nước ngoài định cư, bác Đằng khổ sở sống trong sự côi cút, quạnh quẽ. Sau đó ít lâu, ông tìm đến trại mồ côi và xin Bách về, khi đó anh mới ba tuổi. Vốn ở xa họ hàng nên mọi người lầm tưởng người vợ ra đi một mình và để lại con trai cho bác Đẳng. Sự thật về Bách vì vậy chẳng ai biết. Nguồn chu cấp mà bác Đẳng nhất quyết không nhận chính là từ vợ và con trai ruột mình.
Hạnh rớt nước mắt khi nghe câu chuyện ấy, giờ thì cô đã hiểu ý nghĩa của vẻ buồn buồn trên gương mặt anh.
Sau buổi cà phê hôm đó, về đến nhà, Hạnh ườn người ra, vừa suy nghĩ miên man tận đâu đâu. Cô nhớ vài câu thoại gần cuối.
- Anh đừng tránh em nữa nhé, em lo lắm.
- Tôi tránh vì sợ tôi sẽ thích Hạnh mất!
Đôi khi là vậy…
Cô khẽ cười thầm, quơ điện thoại, cô soạn cho anh một tin nhắn: “Em nhớ tiếng đàn ghi-ta của anh quá, meo!”.
N.A.N
Đã lâu chú chờ đợi đọc một câu chuyện của con nhưng chưa được đọc. Hôm nay chú có dịp rồi, câu chuyện hay và sâu sắc, nhân văn. Chú chúc mừng con. Cố lên N.A.N.