Triển khai chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020:
Chú trọng công tác phòng ngừa xã hội, đấu tranh với những loại tội phạm nổi lên hiện nay
(BĐ) - Ngày 7.3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 138/CP đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP chủ trì; phía điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan tham dự (ảnh).
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2016, toàn quốc xảy ra trên 54.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với cùng kỳ), trong đó tỉ lệ điều tra khám phá án đạt trên 78% (vượt 3,07%), tỉ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm đạt 90%. Lực lượng chức năng đã triệt xóa được nhiều băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, làm rõ hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Tại Bình Định, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 719 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm chết 23 người, bị thương 203 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 13 tỉ đồng; so với cùng kỳ giảm 12 vụ, nhưng trong đó tội phạm giết người tăng 45,4% số vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tăng 77,7%, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tăng 44,4%; tổ chức đánh bạc tăng 45,4%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2020 nên được các bộ, ngành, UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo, nhờ đó tình hình an ninh chính trị cơ bản được ổn định. Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2020 giảm được 3-5% tổng số vụ phạm tội hình sự, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; giảm 15% - 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 5-7% tội phạm xâm hại trẻ em…, thì các bộ, ngành, UBND các địa phương cần xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; chú trọng công tác phòng ngừa xã hội; tập trung đấu tranh với những loại tội phạm nổi lên hiện nay, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, tham nhũng; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm, nhất là các nước có chung đường biên giới, các nước trong cộng đồng ASEAN, các nước có đông người Việt sinh sống…
K.ANH