Bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Sáng 7.3, tại xã Hoài Hương, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khắc phục tình trạng tàu thuyền của ngư dân huyện bị nước ngoài bắt giữ do đánh bắt vi phạm vùng biển của họ. Vấn đề đang rất bức xúc này được lãnh đạo Sở NN-PTNT, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện Hoài Nhơn; lãnh đạo xã và bí thư chi bộ các thôn của 6 xã tuyến biển của huyện, bàn bạc và đề ra nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đề xuất các giải pháp. Ảnh: N.PHÚC
Huyện Hoài Nhơn hiện có 2.480 tàu cá, trong đó khoảng 2.120 tàu có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động khai thác xa bờ tại các ngư trường: Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía Nam và vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Thời gian qua, tình hình tàu cá, ngư dân trong huyện bị nước ngoài bắt giữ, xử lý vì vi phạm vùng biển nước ngoài diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Tàu cá vi phạm ngày càng nhiều
Ông Cao Thanh Thương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Tính từ năm 2011 đến 2016, toàn huyện có 100 tàu/846 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, bắt tịch thu tài sản, thả ngay trên biển. Cụ thể, năm 2011 có 11 tàu/85 ngư dân, năm 2012 có 8 tàu/57 ngư dân, năm 2013 có 13 tàu/108 ngư dân, năm 2014 có 15 tàu/115 ngư dân, năm 2015 có 28 tàu/266 ngư dân, năm 2016 có 25 tàu/215 ngư dân. Số tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt chủ yếu đánh bắt tại ngư trường các tỉnh phía Nam. Trong đó, xã Hoài Hương có số lượng tàu cá, ngư dân bị bắt nhiều nhất, với 65 tàu/551 ngư dân (chiếm 65%).
Ông Biện Ngọc Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Mỹ:
“Năm 2011, xã có 1 tàu cá/7 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngay lập tức Ðảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị xã, thôn vào cuộc, tuyên truyền đến từng chủ tàu cá, ngư dân đánh bắt xa bờ thấy được sự thiệt hại nếu vi phạm lãnh hải nước ngoài. Công tác tuyên truyền được xã thực hiện thường xuyên, liên tục, nhờ đó mà từ năm 2012 đến nay xã không có trường hợp tàu cá nào bị bắt giữ”.
Tàu cá, ngư dân trong huyện chủ yếu bị các nước, vùng lãnh thổ như Malaysia, Indonesia, Philippines, Đài Loan bắt giữ. Đến nay hầu hết ngư dân đều được thả về nước sau khi mãn hạn tù hoặc đã chấp hành mức phạt của nước sở tại, trừ một số thuyền trưởng, máy trưởng mới bị bắt năm 2016 còn chấp hành án tù; các tàu cá của ngư dân ta đều bị nước ngoài thu giữ hoặc tiêu hủy. Việc này không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong quan hệ hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực.
Lãnh đạo huyện Hoài Nhơn nhìn nhận, số tàu cá vi phạm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, đó là: Nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng trong khi nguồn lợi hải sản của các nước trong khu vực còn phong phú hơn nên ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố ý vi phạm.
Bà Đặng Thị Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Hương, thừa nhận, hầu hết ngư dân đều hiểu biết pháp luật khi hành nghề trên biển, biết việc xâm phạm vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm vì mục đích kinh tế.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ông Cao Thanh Thương cho biết, trước tình trạng tàu cá của ngư dân huyện vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, UBND huyện đề ra các giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng, tập trung vào các chủ phương tiện, thuyền trưởng, tài công. Bên cạnh đó, huyện thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển; tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc quản lý tàu thuyền hoạt động trên biển. Ngành chức năng của huyện xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm, như: phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3 - 6 tháng; không thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48 và các chính sách khác; tổ chức kiểm điểm trước dân những người cố tình vi phạm. Các cơ quan chức năng điều tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép hoặc môi giới để thả tàu vi phạm ngay trên biển. UBND các xã ven biển chỉ đạo quyết liệt và đề xuất xử lý đối với các tàu cá cố tình vi phạm; gắn trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền xã nếu để xảy ra vi phạm...
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; đại tá Phan Trường Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Bình Định; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện, lãnh đạo 6 xã ven biển đều đồng tình cao với các giải pháp của UBND huyện đề ra và góp ý thêm, đồng thời với việc xử lý hành chính, cần xử lý hình sự để răn đe.
Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương khẳng định, qua Hội nghị này, huyện sẽ vào cuộc quyết liệt để trong năm 2017 giảm 50% số tàu cá bị bắt, năm 2018 giảm 50% nữa và đến năm 2019 không còn trường hợp nào bị bắt giữ do đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Võ Hồng Kha, Bí thư Chi bộ thôn Ca Công Nam, xã Hoài Hương:
“Sau khi một số trường hợp tàu cá trong thôn bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài, trong năm 2015, thôn đã thành lập tổ dân vận khéo, cử các đảng viên đến từng gia đình chủ tàu và ngư dân để tuyên truyền, vận động, nhờ đó mà từ năm 2016 đến nay không có trường hợp nào vi phạm. Ðể giảm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngư dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp vừa đánh bắt vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường hơn các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam để vừa bảo vệ ngư dân vừa ngăn chặn ngư dân đánh bắt xâm phạm vùng biển nước khác”.
NGUYỄN PHÚC