Nhân tuần lễ Glôcôm thế giới (6-12.3): Hiểu đúng và không chủ quan với Glôcôm
6,5% dân số ở Việt Nam bị mù do bệnh Glôcôm, nhưng có đến 94% người dân không hiểu rõ về bệnh này. Ðó là những con số đáng báo động.
Glôcôm là một bệnh phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu, bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng và chữa được. Tỉ lệ người trên 40 tuổi bị mắc bệnh Glôcôm nguyên phát trong khoảng từ 0,38 - 2,1%.
Bệnh phổ biến
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lai (Bệnh viện Mắt tỉnh), có nhiều yếu tố gây nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm. Tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh càng nhiều. Tỉ lệ mắc Glôcôm nguyên phát là 0,5% ở người dưới 40 tuổi và 2% ở người trên 40 tuổi. Ở tuổi 70 nguy cơ mắc Glôcôm cao gấp 3-8 lần so với lứa tuổi 40.
Bệnh nhân mắc Glôcôm tái khám ở Bệnh viện Mắt tỉnh.
Bên cạnh đó, Glôcôm góc đóng gặp nhiều ở nữ do mắt nữ nhỏ, tỉ lệ mắc ở phụ nữ cao gấp 4 lần nam giới. Tuy nhiên, Glôcôm góc mở lại gặp ở nam nhiều hơn nữ gấp 1,7 lần. Về chủng tộc, người châu Á nhãn cầu nhỏ nên thường mắc Glôcôm góc đóng hơn người châu Âu. Về mặt di truyền, tiền sử gia đình là yếu tố tiên lượng có ý nghĩa trong bệnh Glôcôm nguyên phát, đặc biệt là Glôcôm góc mở. Khả năng xuất hiện Glôcôm nguyên phát có thể được di truyền nhưng tiền sử gia đình không cho phép khẳng định trong tương lai người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm có mắc bệnh hay không. Cùng với đó, người có tật khúc xạ như viễn thị rất dễ mắc Glôcôm.
Nhiều sai lầm
Glôcôm có hai hình thái bệnh: Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng. Bệnh Glôcôm góc mở thường xuất hiện âm thầm, rất khó phát hiện, tiến triển chậm, lần lượt qua từng giai đoạn. Bệnh nhân khó tự phát hiện khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Bệnh hay gây tổn thương cả 2 mắt nhưng mức độ tiến triển lại ít khi đồng đều, thường có một mắt nặng hơn mắt kia. Ða số chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều. Có những người nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng. Nhiều người không có dấu hiệu gì, chỉ được phát hiện do tình cờ. Ở giai đoạn muộn người bệnh thường đi lại hay va phải các vật trong nhà do giảm thị trường (thị trường là khoảng không gian mà mắt chúng ta bao quát được khi nhìn cố định vào một điểm).
Glôcôm (còn gọi là bệnh cườm nước) là nhóm bệnh của thị thần kinh biểu hiện bởi tổn thương gai thị và thị trường. Nguyên nhân gây bệnh là đường dẫn lưu thủy dịch từ trong nhãn cầu ra ngoài bị cản trở dẫn đến áp lực trong mắt tăng lên quá mức bình thường. Nhãn áp cao liên tục sẽ làm tổn thương thị thần kinh dẫn đến mất thị trường, và cuối cùng là mù lòa.
Trong khi đó, Glôcôm góc đóng có triệu chứng trong những trường hợp góc đóng cấp tính, biểu hiện bằng cơn đau nhức mắt dữ dội. Cơn đau lan qua một nửa đầu cùng bên và có biểu hiện toàn thân như buồn nôn và nôn, nhìn thấy quầng xanh đỏ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, vấn đề tồn tại lớn nhất trong việc giảm thiểu tổn hại chức năng thị giác và mù lòa do Glôcôm là phần lớn người bệnh không biết họ có bệnh và nhiều người đến khám muộn khi đã có tổn hại chức năng thị giác nặng nề ở 1 hoặc 2 mắt.
Vì vậy, nếu chúng ta phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm thì có thể giúp bệnh nhân bảo tồn được chức năng thị giác. Những người có nguy cơ cao tốt nhất nên khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm.
Ðáng lo ngại, một số bệnh nhân sau khi đã xác định mắc Glôcôm được điều trị nhưng cuối cùng vẫn bị mù do không tuân thủ nguyên tắc nhỏ thuốc hằng ngày, hoặc do bỏ liệu trình điều trị. Sau mổ bệnh nhân không chịu tái khám vì cho rằng đã khỏi bệnh.
Sáng 8.3, bà T.T.C tay xách nách mang từ Hoài Nhơn vào Bệnh viện Mắt tỉnh khám bệnh. Năm nay 52 tuổi, bà C. đã được phẫu thuật điều trị Glôcôm cách đây hơn 1 năm. Dùng hết đợt thuốc sau khi phẫu thuật, bà C. không tái khám lần nào, phần vì đường xa, phần vì nghĩ bệnh đã khỏi hẳn. “Bệnh nhân Glôcôm nên giữ mãi tâm thức rằng đây là một bệnh mạn tính. Nhỏ thuốc hay phẫu thuật chỉ là biện pháp tạm thời. Bệnh sẽ quay trở lại hoặc nặng thêm nếu không tái khám định kỳ hoặc không tuân thủ liệu trình điều trị”, bác sĩ Lai khuyến cáo.
Gần 2 năm nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đã mở một phòng khám đặc biệt dành riêng cho bệnh Glôcôm. Phòng khám hoạt động vào sáng thứ 5 hàng tuần. Ở đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn về bệnh, cách nhỏ thuốc và hẹn tái khám định kỳ.
NGUYỄN VĂN TRANG