Nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì ở xã Bình Tân (Tây Sơn): Ô nhiễm bủa vây, gian nan xử lý
Vườn tược trở thành “túi” đựng nước thải, đất nông nghiệp bị bỏ hoang; nước sinh hoạt và môi trường không khí ô nhiễm rất nặng. Trong khi nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì mang lại lợi nhuận đáng kể cho các cơ sở sản xuất, thì cư dân lân cận phải gồng mình chịu đựng hậu quả của nó. Chuyện đang xảy ra tại thôn Phú Hưng và thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn).
Cánh đồng Phú Ân, thôn Phú Hưng bỏ hoang sau khi bị nước thải mì bao phủ.
Ô nhiễm đủ bề
Ðến thôn Phú Hưng, có thể dễ nhận ra mùi “thum thủm” đặc trưng của mì. Tất cả những cơ sở sản xuất trong thôn có chung đặc điểm: Nước thải chảy lênh láng ra xung quanh khu vực sản xuất. Ðất trong vườn nhuộm màu đen, nổi bong bóng, bốc mùi hôi. Cây cối chết yểu.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân Phạm Khắc Phi:
“Ðể ô nhiễm đến nước này, chính quyền địa phương có phần trách nhiệm. Công tác xử lý, kiểm tra thời gian qua quá chậm, thiếu kiên quyết, không mang lại hiệu quả. Nước thải dồn ngày này qua tháng nọ, không có hệ thống xử lý bài bản, tích tụ lâu ngày thành những ao nước đen ngòm, gây ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt và thối đến nhức óc. Ô nhiễm vậy làm sao có thể yên dân”.
Ðể rõ hơn vai trò của chính quyền trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm ở thôn Phú Hưng, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND xã Bình Tân và cán bộ địa chính xã, nhưng cả hai đều từ chối trả lời. Tuy nhiên, theo ông Phạm Khắc Phi, Bí thư Ðảng ủy xã Bình Tân, thì: “Toàn xã hiện có 22 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì đang hoạt động, riêng thôn Phú Hưng có 20 hộ, thôn Mỹ Thạch 2 hộ. Sau thời gian nghề này phát triển, tình hình ô nhiễm môi trường ở địa phương, nhất là ở thôn Phú Hưng đã đến mức báo động. Toàn bộ các cơ sở đều dùng băng chuyền để xay xát, công suất 10 tấn mì tươi/máy/ngày; lượng nước xả ra rất lớn nhưng không hề có bể lắng, không thực hiện các khâu xử lý trước khi thải ra môi trường”.
Hiện, 2 ha lúa ở cánh đồng Phú Ân, ở xóm 3, thôn Phú Hưng- nơi giáp ranh với khu vực tập trung các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột mì- đang trở thành “túi” đựng nước thải. Nước trong ruộng sủi bọt, nổi váng đục ngầu, bốc mùi hôi chua. 18 hộ dân giao quyền canh tác ở đây ngậm ngùi bỏ hoang vì không sản xuất được.
Ô nhiễm kéo dài nhiều năm nhưng người dân ngại không muốn lên tiếng vì các hộ sản xuất đều trong dòng họ hoặc làng xóm với nhau. Người không có quan hệ cũng chẳng dám phản ứng vì ngại mang tiếng “trâu cột ghét trâu ăn”. Bà T.T.N ở xóm 3, thôn Phú Hưng bức xúc: “Cuộc sống của chúng tôi đang bị tra tấn dữ dội bởi mùi thối phát sinh. Hàng xóm với nhau, nói nhiều sinh ra phiền, còn mang tiếng ganh ăn tức ở”.
Ðược biết, năm 2015, UBND xã Bình Tân đã làm việc với ngành điện lực đề nghị tạm ngừng cung cấp điện đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột mì; đồng thời yêu cầu các hộ xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau đó các hộ đã mua máy nổ công suất lớn tiếp tục chế biến, xả thải.
Năm 2015-2016, UBND xã liên tục cử các tổ công tác đi kiểm tra, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức 1-5 triệu đồng/hộ vi phạm, song kết quả chỉ như “nước đổ lá môn”. Ðầu năm 2017, UBND xã cùng Phòng TN-MT huyện Tây Sơn tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến mì hoạt động gây ô nhiễm; lập biên bản đề nghị xử phạt 3 hộ ở thôn Phú Hưng đã có hành vi xả nước thải mì qua hệ thống xử lý tự xây dựng không đảm bảo và xả ra khu vực đất canh tác ở đồng Phú Ân.
Bao giờ mới xử lý triệt để?
Ông Phạm Khắc Phi cũng cho biết thêm: “Cái khó hiện nay là nghề chế biến tinh bột mì tại Phú Hưng, Mỹ Thạch tồn tại đã nhiều năm. Nhiều cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại; nếu không cho họ tiếp tục sản xuất, sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhiều người. Ngày 3.3, xã Bình Tân đã thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra từng hộ, xác lập biên bản cụ thể, đề xuất hướng xử lý theo quy định cho UBND xã trước ngày 31.3.2017”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn- cho biết: “Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, các cơ sở này chỉ được phép xay xát mì, nhưng thực chất lại “kiêm” luôn khâu chế biến trong khi hệ thống nước thải không được đầu tư, xây dựng. Nước thải trong quá trình xay xát, chế biến mì được xả thẳng ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng”.
Ðể giải quyết tình trạng ô nhiễm này, theo ông Dũng, giải pháp xây dựng khu sản xuất, chế biến tinh bột mì tập trung ở xa khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đòi hỏi kinh phí rất lớn, ngân sách cấp xã, huyện không đảm đương nổi; trong khi ngân sách cấp tỉnh có hạn. Do đó, UBND huyện Tây Sơn, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN-MT) và UBND xã Bình Tân đang nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khả dĩ nhất nhằm vừa đảm bảo quyền lợi người dân, vừa bảo vệ môi trường. Ðó là yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến mì phải khắc phục, đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Cơ sở nào đảm bảo các điều kiện về Luật Bảo vệ môi trường quy định sẽ cho phép vận hành trở lại; trường hợp cố tình vi phạm, sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.
TRỌNG LỢI