Vỉa hè & xe công!
Ðó là hai chủ đề “nóng hổi” trên sóng truyền hình, mặt báo, các diễn đàn mạng xã hội… trong nhiều ngày qua. Tuy là hai vấn đề khá khác biệt nhau nhưng câu chuyện vỉa hè và xe công có chung một điểm - đó là mối quan hệ công - tư.
Thực ra câu chuyện vỉa hè của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… cũng là câu chuyện chung về trật tự đô thị ở nước ta. Chuyện một số người lấn chiếm vỉa hè chiếm dụng để làm nơi buôn bán, giữ xe… vốn xảy ra phổ biến ở tất cả các thành phố, nhất là ở các tuyến đường trung tâm có mật độ và lưu lượng giao thông đông đúc. Việc chiếm dụng thường dẫn đến cảnh lộn xộn, mất mỹ quan đô thị nên việc ra quân để lập lại trật tự vỉa hè, mỹ quan đô thị cũng là việc làm thường xuyên của chính quyền các địa phương. Thế nhưng thực tế cho thấy kết quả của các đợt ra quân là không cao, phổ biến vẫn là tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”, nghĩa là dọn dẹp được ít bữa xong “đâu lại vào đấy” như cũ. Lý giải tình trạng này, bên cạnh sự phức tạp khi liên quan đến kế sinh nhai của một bộ phận dân cư có hoàn cảnh điều kiện đặc biệt, người ta còn nhìn thấy phía sau nền “kinh tế vỉa hè” ấy bóng dáng của những “thế lực vô hình” ở phía sau (!).
Từ thực tế trên, lần ra quân này chính quyền hai đô thị lớn nhất nước đã vào cuộc với quyết tâm cao hơn, lực lượng đông đảo hơn, quyết liệt nhưng có sự phối hợp chặt chẽ với công tác thông tin, tuyên truyền làm cho mọi người cùng hiểu và đồng thuận thực hiện. Cách làm bài bản hơn này đã được đông đảo dư luận đồng tình ủng hộ. Có thể thấy, một khi người dân có ý thức cộng với việc lập lại trật tự đô thị được duy trì thường xuyên thì bài toán trật tự đô thị, nhất là trật tự vỉa hè, sẽ được giải quyết một cách căn cơ, lâu dài. Dùng biện pháp mạnh để lập lại trật tự vỉa hè là cần thiết, nhưng việc xây dựng ý thức cho người dân để họ tự nhận thức hành vi của mình mới mang lại kết quả bền vững.
Thực ra câu chuyện quản lý và sử dụng xe ô tô công lâu nay được bàn luận khá nhiều, nhất là tình trạng sử dụng xe ô tô công tùy tiện, không đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn… gây nhiều lãng phí. Mặc dù Nhà nước đã ban hành quy định về sử dụng xe ô tô công nhưng xem ra tình trạng lãng phí vẫn không cải thiện được là mấy. Hiện Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công… theo hướng thực hiện cơ chế khoán sử dụng xe công đối với nhiều đối tượng, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 30 - 50% số lượng ô tô công phục vụ công tác được trang bị cho các bộ ngành, địa phương hiện có.
Câu chuyện cho - nhận ô tô ở Cà Mau, Ðà Nẵng mới đây một lần nữa làm nóng lên câu chuyện xe công vốn đã là chuyện không mới từ nhiều năm qua. Chuyện doanh nghiệp biếu, tặng xe tiền tỉ cho địa phương được lý giải nghe rất có tình có lý, chẳng hạn như vì “thông cảm”, “chia sẻ” khó khăn nên ủng hộ, hỗ trợ… Nhưng dù muốn hay không thì dư luận vẫn có quyền đặt dấu hỏi về động cơ, mục đích của doanh nghiệp khi tặng một tài sản có giá trị lớn như xe hạng sang cho chính quyền địa phương. Bởi lẽ, với món quà tặng “nặng tình, nặng nghĩa” như thế có thể dẫn đến sự cả nể, dễ dãi thậm chí không công bằng trong quản lý, điều hành. Có lẽ nhận thấy việc biếu, tặng xe sang có thể tạo nên tiền lệ không hay nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị chấm dứt chuyện này.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương không được nhận ô tô do doanh nghiệp tặng, đồng thời yêu cầu các địa phương, bộ, ngành rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm thì các tỉnh, thành nói trên đã lập tức trả lại những chiếc xe tiền tỉ được doanh nghiệp tặng. Dư luận cho rằng đó là việc làm nghiêm túc, đáng ghi nhận. Việc làm này cũng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
H.Ð