Sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân: Dẫu là của mình, nhưng...
Hiện nay, rất nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân để giao lưu, kết bạn hoặc vì các mục đích khác. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, tỉnh ta chắt lọc giữa một rừng thông tin trên mạng xã hội đa dạng nhiều chiều, người sử dụng rất có thể vi phạm các quy định của pháp luật.
Giữa rừng thông tin trên các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, nếu không đủ tỉnh táo, chắt lọc nhận diện đúng- sai rất dễ bị nhiễu loạn thông tin. (Ảnh có tính chất minh họa)
Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm
Mới đây, một thầy giáo đến báo Bình Định phản ánh về việc ông bị một số giáo viên của ngôi trường ông từng giữ chức vụ quản lý, đã có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm cá nhân ông khi đưa một số thông tin không hay về tiền lương vào thời ông còn làm việc. Dẫu lời bình phẩm chỉ mang tính chất chung chung, vô thưởng vô phạt, chứa đủ chứng cứ để xác định là hành vi vu khống hay bôi nhọ, song khiến người thầy giáo đã nghỉ hưu hết sức phiền lòng.
Trước đó, tháng 2.2017, cơ quan an ninh của tỉnh Bình Định đã xử phạt anh N.V.T (hộ khẩu thường trú tại Quy Nhơn) xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng về hành vi thiết lập, sử dụng thông tin điện tử tổng hợp nhưng không xin phép cơ quan chức năng, đăng tải các thông tin, tình hình liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội... của tỉnh Bình Định.
Theo thống kê của Phòng An ninh - Chính trị - Nội bộ, Công an tỉnh (PA83), từ năm 2009 đến tháng 6.2016, thông qua các biện pháp công tác, cơ quan an ninh đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn 14 trường hợp trên địa bàn tỉnh sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân sáng tác thơ văn, viết bài có nội dung xấu, kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin với các đối tượng chống đối chính trị, xây dựng website xem phim trực tuyến có nội dung đồi trụy để mua bán... Trong đó, đã làm rõ động cơ 1 đối tượng ngụy tạo hình ảnh có nội dung xúc phạm uy tín của lực lượng Công an, chính sách hậu phương của Quân đội (bị xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng); 1 đối tượng sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân kích động tư tưởng cực đoan của tổ chức khủng bố tự xưng “Nhà nước Hồi giáo IS”, 1 đối tượng kêu gọi tấn công DDOS website của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Thiếu tá Trương Tuấn Nghĩa, Phó Đội trưởng Đội Văn học - Nghệ thuật- Thông tin- Đại chúng xuất bản thuộc PA83, cho biết có những trường hợp lập trang thông tin điện tử cá nhân có những nội dung trên nhằm mục đích muốn nhiều người biết đến trang cá nhân của mình, hoặc câu “like” (lượt thích-PV) thu hút nhiều lượt người truy cập nhằm bán lại trang của mình cho người khác như N.M.R (sinh viên học tại TP Hồ Chí Minh, hộ khẩu thường trú tại Quy Nhơn) xây dựng website xem phim trực tuyến phim đồi trụy.
Cần hoạt động theo đúng quy định của pháp luật
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 05/CT-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 8.3.2017 về tăng cường quản lý hoạt động thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thông tin điện tử; định hướng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về sử dụng thông tin trên mạng. Giao Công an tỉnh phối hợp với Sở TT-TT thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thông qua hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội phải tuân thủ các quy định về bản quyền, về nguồn tin và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; chấn chỉnh việc tự ý sản xuất tin bài giống cơ quan báo chí, không tuân thủ các quy định về nguồn tin, thay đổi tiêu đề bài viết, cắt xén nội dung, hình ảnh trong bài viết; nội dung thông tin tổng hợp không phù hợp và không đúng với phạm vi đã được quy định tại giấy phép; nâng cao trách nhiệm tự quản lý thông tin trên mạng...
Bởi vậy, theo thiếu tá Nghĩa, giữa rừng thông tin trên các mạng xã hội, trang thông tin điện tử đầy rẫy như hiện nay, nếu không đủ tỉnh táo, chắt lọc nhận diện thông tin đúng- sai, rất dễ bị “nhiễu loạn” thông tin, dẫn đến có thể vi phạm các quy định pháp luật trên lĩnh vực này.
Ðối với những hành vi vi phạm quy định về trang thông tin điện tử cá nhân như “cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật”; “vi phạm một trong các quy định về quản lý thông tin điện tử trên mạng đối với các trang thông tin điện tử không phải xin phép”,“cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước” được quy định tại Ðiều 64, Nghị định số 174/2013/NÐ-CP của Chính phủ ngày 13.11.2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện” .
Theo đó, mức xử phạt theo Nghị định này đối với cá nhân thấp nhất từ 7,5 triệu đồng, cao nhất là 12,5 triệu đồng. Ðối với tổ chức từ 15 đến 25 triệu đồng.
NGUYỄN NAM