Cô giáo Ðặng Nguyễn Thu Vân: “Mình phải là một tấm gương cho học sinh”
Tại Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp tiểu học giỏi cấp tỉnh năm học 2016-2017, cô giáo Ðặng Nguyễn Thu Vân đã đạt giải Nhì và là một trong những thí sinh đưa ra những giải pháp hiệu quả với học sinh cá biệt, được Ban giám khảo đánh giá cao.
Cô giáo Đặng Nguyễn Thu Vân đang dạy tiết Luyện từ và câu cho học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Cách xử lý tình huống được đánh giá cao không phải chỉ là nội dung trả lời tại một cuộc thi, mà chính là thực tế công việc của cô giáo Đặng Nguyễn Thu Vân. Nhiều năm qua, khi làm chủ nhiệm lớp, cô giáo Vân đã tạo được sự tin tưởng của phụ huynh và sự yêu mến của học sinh. Về Trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn) công tác được 11 năm, cô Vân nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong công tác chủ nhiệm là làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh, giúp phụ huynh thấy vị trí trách nhiệm của giáo dục gia đình.
“Mình phải nắm kỹ, hiểu chính xác mọi chủ trương của ngành, của nhà trường trước khi phổ biến đến phụ huynh. Tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm, hoàn cảnh học sinh. Phối hợp tốt với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nhưng trước hết, bản thân mình phải là một tấm gương, với học sinh trong công tác chuyên môn, cách ứng xử giao tiếp cuộc sống và công tác chủ nhiệm, tạo sự tin tưởng, chuẩn mực trước phụ huynh ”, cô Vân chia sẻ.
Năm học 2016-2017, lớp 3A cô Vân chủ nhiệm có 3 học sinh cá biệt, trong đó 1 học sinh ba mẹ ly hôn, 1 em có ba mẹ đi làm ăn xa và 1 em chậm phát triển trí tuệ.
Tìm hiểu kỹ tôi được em có ba mẹ ly hôn kể rằng: Ở nhà ba con có lúc cũng không tốt nhưng không ai la mắng ba cả! Điều này tác động không ít đến em. Em sống xa mẹ, được ông bà nội cưng chiều, nên không cố gắng học tập.
“Tôi tác động ba em trước bằng cách yêu cầu đưa đón con đúng giờ để tạo sự gần gũi, rồi giữ gìn lời ăn tiếng nói trước mặt con. Tôi đến nhà gặp bà với ông tâm tình với họ rằng đừng cưng chiều cháu quá, gia đình cần phối hợp tốt hơn với nhà trường. Nắm tâm lý em muốn gặp mẹ, tôi động viên em cố gắng học sẽ được gặp mẹ. Sau đó tìm cách liên lạc để em gặp mẹ vào ngày sinh nhật. Tâm lý của em chuyển biến từ đó, học tập cũng tiến bộ hơn nhiều”, cô Vân kể.
17 năm giảng dạy học sinh tiểu học, cô Vân đúc kết: Học sinh tiểu học hồn nhiên, dễ thương, năng động, sáng tạo, thích nghi nhanh. Ở lớp, thầy cô nói gì cũng lắng nghe và hiểu hết. Thế nhưng, kinh nghiệm ít, hiểu biết còn có hạn khiến các em dễ vấp ngã, hụt hẫng trước mọi hoàn cảnh tác động, nhất là số học sinh bị thiếu thốn tình thương yêu, sự quan tâm của người thân.
Trong phần Thi ứng xử tình huống sư phạm, cô Vân đã thuyết phục Ban giám khảo bằng câu trả lời có tình có lý với tình huống: “Ðang trong giờ dạy, dưới lớp có hai bạn đánh nhau, cô giáo đến tát vào mặt cả hai em. Cô nghĩ gì về cách ứng xử này và nếu là cô, cô sẽ làm gì?”.
“Cách xử lý như trong tình huống là sai. Trong môi trường sư phạm, không có chỗ cho những hành vi bạo lực, nhất là với học sinh. Nhưng nếu không kiềm chế được, giáo viên lỡ tay đánh học sinh thì trước khi hòa giải cần xin lỗi hai em và cả lớp về hành động đó. Sau đó, cô giáo phải đến nhà xin lỗi phụ huynh của hai em. Nếu là tôi, tôi bình tĩnh, đến gần và yêu cầu hai em ngồi xuống học tiếp. Ðến cuối buổi học, tôi sẽ gặp riêng hai em hỏi lý do và hòa giải hai bên. Trong tiết sinh hoạt, tôi đem câu chuyện này làm bài học, khuyên bảo các em là bạn bè phải yêu thương, đoàn kết lẫn nhau đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở lớp. Có gì không hài lòng về nhau thì nói với cô để cô phân xử”, cô Vân trả lời.
KIM KHÁNH