Làng rèn Tây Phương Danh: Chung lòng, góp sức gìn giữ lễ hội làng nghề
Trong số 600 hộ ở Tây Phương Danh (phường Ðập Ðá, TX An Nhơn), hiện chỉ còn khoảng 80 hộ làm nghề rèn. Số hộ, số người theo nghề giảm, quy mô làng nghề thu hẹp dần, nhưng Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh năm nay lại diễn ra tưng bừng hơn nhờ sự chung lòng góp sức của toàn dân.
Người dân Tây Phương Danh có suy nghĩ thật đáng quý: việc bảo tồn, duy trì tổ chức Lễ hội này không chỉ là chuyện của chính quyền địa phương hay những hộ làm nghề rèn lo, mà đó còn là một phần trách nhiệm, vinh dự của người dân đối với lễ hội truyền thống của quê hương.
1.
Chiều 9.3 (nhằm 12.2 năm Đinh Dậu 2017), tại bãi đất trống được quy hoạch xây khu thiết chế văn hóa cho khu vực Tây Phương Danh, một cái rạp đơn sơ được dựng nên, bục cao ở đầu rạp là khu vực để hành lễ, cuối rạp là sân khấu dùng cho hát bội, đây là nơi diễn ra Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh năm Đinh Dậu 2017.
Thực hiện nghi thức trước Bàn thờ tổ, nhằm tưởng nhớ, tri ân tổ sư làng nghề.
Ông Nguyễn Đình Long, Bí thư khu vực Tây Phương Danh, người đã nhiều năm gắn bó với việc tổ chức lễ hội, phấn khởi cho biết: “Lễ hội năm nay không chỉ là ngày giỗ tổ nghề của thợ rèn mà còn là ngày hội chung của toàn khu vực. Từ bao lâu nay, chi phí để tổ chức Lễ hội do TX An Nhơn và phường Đập Đá hỗ trợ một phần, phần lớn do các hộ làm nghề rèn “góp giỗ”. Nhưng năm nay, rất nhiều hộ dân Tây Phương Danh không làm nghề rèn cũng tự nguyện tham gia đóng góp. Chuyện này xuất phát từ tấm lòng “muốn chia sẻ khó khăn với đồng bào nghề rèn và hơn hết là giữ gìn lễ hội truyền thống của quê hương”.
" Cùng hướng đến một đối tượng, mục đích, có tới một cái giỗ chung (lễ hội) và cả trăm cái giỗ riêng như thế, nên mỗi năm đến ngày 12 - 14.2, làng rèn Tây Phương Danh lại nhộn nhịp, vui vẻ và… thơm lừng như Tết"
Theo ông Long, dẫu cho mỗi năm nghề rèn càng lâm cảnh khó khăn nhiều thêm, người làm nghề rèn ở Tây Phương Danh vẫn nghĩ, lo ngày giỗ tổ nghề, nhớ ơn sư tổ Đào Dã Tượng - người đã mang nghề rèn về đất này, hơn 200 năm qua giúp nhiều người có kế sinh nhai - là việc “nội bộ” của người nghề rèn, không dám phiền đến bà con ngoài nghề. Vậy nên, năm nào làm ăn khá thì tổ chức lớn, năm khó khăn thì lúi húi với nhau. Ngay cả những năm khó khăn, nếu có cắt giảm thì tiết kiệm các hoạt động phần hội, khâu tiệc tùng… còn lễ nghi ai cũng nhắc nhau đảm bảo trang trọng, thành kính!
Ngoài lễ hội của làng, trong từng hộ gia đình, thợ rèn nào cũng làm giỗ tại nhà, tưởng nhớ tổ sư nghề như giỗ tổ tiên, ông bà mình. Cùng hướng đến một đối tượng, mục đích, có tới một cái giỗ chung (lễ hội) và cả trăm cái giỗ riêng như thế, nên mỗi năm đến ngày 12 - 14.2, làng rèn Tây Phương Danh lại nhộn nhịp, vui vẻ và… thơm lừng như Tết.
2.
Điểm đặc biệt của năm nay là khi các hộ nghề rèn lo chuẩn bị ngày giỗ tổ nghề, một vài hộ dân ngoài nghề rèn chủ động đề xuất tham gia. Thế rồi chuyện lan rộng ra, rồi cả hàng trăm hộ hưởng ứng, biến việc tổ chức Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh thành một việc chung đầy ý nghĩa của cả làng. Có đến 517 trong tổng số 600 hộ dân khu vực Tây Phương Danh đóng góp tiền của để tổ chức Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh! Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng việc làm giàu tính cộng đồng trên, đã đi đúng đường lối xây dựng nếp sống văn hóa với tinh thần chủ động, tích cực của người dân.
Ông Mai Đức Hạnh, một người dân ngoài nghề rèn, chia sẻ, bao năm qua, người dân Tây Phương Danh được dự phần vào một lễ hội cổ truyền, đậm bản sắc quê hương, vui tươi, thắm tình đoàn kết. Công sức tổ chức phần lớn do bà con nghề rèn góp sức. Nay, nghề không thịnh vượng như xưa, để chia sẻ với làng rèn, cùng duy trì lễ hội đã thành “đặc sản văn hóa” của quê mình, cả cộng đồng cùng chung tay đóng góp là việc nên làm.
“Có đến 517 hộ tham gia đóng góp ngay ở năm phát động đầu tiên, chứng tỏ đây là việc rất thuận lòng dân, là một người dân, tôi thấy vui vì đông đảo bà con mình đã hưởng ứng, cùng tạo ra một việc rất ý nghĩa. Từ sự chung tay này, Lễ hội của quê tôi càng mang tính cộng đồng sâu rộng”, ông Hạnh nói với niềm tự hào.
Không phụ tấm lòng của đông đảo bà con, Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh năm nay được tổ chức quy mô lớn hơn với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng, sôi nổi: Hội thi Tiếng hót chim chào mào (ngày 11.2 âl), thi và chơi trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đập ấm… (sáng 12.2 âl), ngoài ra còn có hát tuồng 3 đêm.
Trong cái phấn khởi, rộn ràng của ngày hội nghề nghiệp được toàn dân quan tâm đầu tư tổ chức, cánh thợ trẻ lại nhen lên ý tưởng mới để lễ hội quê mình thêm độc đáo.
Thợ rèn Nguyễn Văn Hóa cho biết: “Tôi cùng một số anh em thợ trẻ đang manh nha ý tưởng tạo nên nét đặc thù cho Lễ hội những lần tổ chức sau, đó là tổ chức thi mang tính chất trình diễn một hoặc vài công đoạn của nghề rèn giữa các hộ, thợ làm nghề với nhau trong khuôn khổ Lễ hội. Tôi nghĩ nếu tổ chức được sẽ rất thú vị, vừa tôn vinh nghề rèn, vừa tạo ra nét đặc trưng của Lễ hội này so với những lễ hội khác”.
SAO LY