Xe ngựa xứ Nẫu
Xe ngựa là loại hình vận tải kiểu xưa cũ trên nhiều vùng quê của nước ta. Hiện nay tại nhiều làng quê của tỉnh Bình Định, Phú Yên, xe ngựa còn lại khá nhiều. Nét đẹp của phương tiện thô sơ này vừa giúp người dân làm ăn trong cuộc sống lao động hằng ngày, vừa như một dấu ấn văn hóa của một thời đã xa, mang đậm bản sắc của một vùng quê vốn được nhiều người biết đến.
Hình ảnh chiếc xe ngựa gõ nhịp trên đường như một nét đẹp văn hóa riêng, cần được gìn giữ và trân trọng.
Không biết từ lúc nào, người dân xứ Nẫu đã chọn loại xe này làm phương tiện đi lại để ngày nay cách nhau hằng mấy tỉnh mà họ vẫn biết đến như một “đặc sản” của vùng đất miền Trung thân thương. Trước kia, xe ngựa dùng để chở khách, chở hàng. Hành khách thường là những người dân từ các vùng quê ra phố chợ và ngược lại từ phố về quê. Hàng hóa thường là các loại rau quả hoặc hàng nông sản, than củi, cá mực. Không gian lưu hành của những chuyến xe ngựa gói trọn chỉ vài mươi cây số trong nội tỉnh. Thời gian bắt đầu của một chuyến xe thường từ sáng sớm và kết thúc khi người khách, lô hàng cuối cùng rời xe.
Tôi còn nhớ rõ, lúc nhỏ có lần mẹ cho theo đi chợ huyện bằng xe ngựa. Ngày nghỉ học, được ngồi trên chiếc xe là một niềm khoan khoái. Tiếng xe cứ cồng cộc, cồng cộc, nhịp nhàng gõ móng đều đều xuống nền đường, hòa với âm thanh thúc nhịp của người xà ích lúc tờ mờ sáng như một bản tình ca làm thức giấc vạn vật buổi bình minh. Âm thanh này chất chồng thành kỷ niệm gắn con người với làng quê, với vùng đất mình sinh ra, lớn lên rồi đi xa, trở về. Âm thanh này cũng tôn thêm lòng tự hào mỗi khi có dịp bạn bè bốn phương nhắc về mấy chữ xe ngựa xứ Nẫu. Trong kỷ niệm của tôi, hình ảnh người xà ích, tiếng nhạc ngựa, cỗ xe…vừa khắc khoải mông lung vừa gần gũi đau đáu thân thương như chính tình cảm của quê hương nhắc nhau mời gọi trở về. Chính vì vậy mà bao nhiêu năm xa quê thấp cao may rủi, hình bóng một vùng quê yên bình vẫn không thoát khỏi trong tôi.
Ngày nay, xe ngựa ở Bình Định, Phú Yên dẫu không còn nhiều, nhưng vẫn được nhiều người biết đến. Vẫn là những chuyến xe từ các làng quê ra phố chợ, vẫn cá mực, nông sản. Những mẹ, những cô, những dì… dù có dư điều kiện để đi các phương tiện khác nhưng không, tình nghĩa giữa người lái xe, mối quan hệ bạn hàng làm ăn, thói quen bình dân, nghĩa tình làng xóm đã thôi thúc họ chung thủy, tự động chờ nhau sau mỗi buổi chợ làng. Hễ còn xe ngựa thì vẫn còn khách đi xe. Đâu đó, trong những con đường nông thôn, dưới rặng tre, bên đồng ruộng, ở ngã ba đường, ta bắt gặp hình ảnh xà ích ngồi đợi khách bên chiếc xe mà lòng vui rộn. Xe ngựa vùng đất Nẫu còn đi vào đời sống, văn học, âm nhạc và gần đây là du lịch như một điều không thể thiếu.
Một dải đất giữa miền Trung lặng lẽ bình yên là điểm đến của nhiều người và cũng chính là điểm dừng của những bàn chân đến đây lập nghiệp. Trong nhịp sống công nghiệp, hình ảnh chiếc xe ngựa gõ nhịp trên đường như một nét đẹp văn hóa riêng, cần được gìn giữ và trân trọng.
ÐÀO TẤN TRỰC