Đòi tiền cho vay: Cần hành xử đúng pháp luật
Ðã có không ít trường hợp khi bị quỵt nợ, để thu hồi tiền cho vay, chủ nợ chọn cách hành xử không đúng pháp luật và biến mình thành đối tượng vi phạm pháp luật.
Cuối năm 2015, bà Phạm Thị Ngọc T. cho bà Trần Thị Bích N. (cùng trú tại KV 5, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) vay hơn 200 triệu đồng với lãi suất cao nhưng chỉ làm giấy vay nợ 150 triệu đồng. Đến nay, bà N. không trả tiền mà còn tỏ thái độ thách thức bà T., khiến bà T. bức xúc: “Trách là trách tôi tin không đúng người. Khi cho mượn, thì bà N. hứa trả đầy đủ, đến cả người làm chứng cũng là người thân trong nhà của bà ấy. Tôi chỉ tức vì thái độ của bà ấy. Tôi muốn kiện ra tòa để bà ấy thấy được cái sai đó mà bớt kiêu ngạo, tự cho rằng không ai làm gì được mình”.
(Tranh minh họa). Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Theo luật sư Hồ Văn Hải, Văn phòng luật sư Võ Luật (Đoàn Luật sư Bình Định), trường hợp này là giao dịch dân sự bình thường, việc không trả được nợ đúng hạn là do nhiều nguyên nhân. Người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để buộc người vay trả lại tiền. Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền thì những tài sản của người vay sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, công bố và bán công khai theo quy định pháp luật để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người vay tiền. Nhưng nếu những tài sản này đã được đem đặt cọc, cầm cố, thế chấp… để vay tiền trong một giao dịch khác thì tiền bán số tài sản này sẽ ưu tiên thanh toán các khoản nợ trên, sau đó mới được thanh toán cho những khoản nợ khác không có thế chấp, cầm cố…
Trong trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng chi trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu phạm tội (tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”). Khi đó, người cho vay tiền cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị tiến hành điều tra, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp sau khi vay thì không giữ đúng cam kết nên xảy ra tranh chấp và người cho vay sử dụng cách đòi nợ kiểu “xã hội đen” như: Bắt giữ người trái pháp luật hòng gây sức ép trả nợ, siết nợ, và điều này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “cướp tài sản” hoặc “cưỡng đoạt tài sản”, hoặc “bắt giữ người trái pháp luật”. Đơn cử như mới đây tại phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn đã xảy ra một vụ bắt giữ người để đòi nợ. Vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.
Hay như năm ngoái, TAND tỉnh cũng đã xét xử và tuyên mức án 7 năm tù giam đối với Hồ Thị Nhượng và Trương Minh Tâm (cùng ở huyện Phù Mỹ) về tội “bắt, giữ người trái pháp luật” và tội “cố ý gây thương tích”. Nguyên nhân vụ việc cũng xuất phát từ việc không đòi được số tiền đã cho mượn nên chủ nợ là bà Nhượng đã nhờ người chặn đường và đưa con nợ về nhà, đánh gây thương tích để ép trả nợ.
Ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, khuyến cáo: “Từ những vụ vay mượn dân sự, thỏa thuận làm ăn cùng nhau, khi phát sinh mâu thuẫn, nếu chủ nợ xử lý tình huống theo kiểu “xã hội đen”, tức sử dụng những hành vi vi phạm pháp luật để thu hồi nợ thì từ vụ việc dân sự thông thường rất có thể sẽ chuyển sang hình sự mà đối tượng phạm tội trong vụ án hình sự lúc này chính là chủ nợ”.
Do vậy, để việc cho vay và đòi tiền cho vay diễn ra đúng pháp luật, ngoài việc người vay phải có tài sản thế chấp thì cần có giấy vay tiền và người làm chứng, để có đầy đủ căn cứ pháp lý nếu phát sinh mâu thuẫn và dẫn đến khởi kiện. Người cho vay không nên manh động đòi nợ bằng những hành vi trái pháp luật.
KIM CHI - KIỀU ANH