Viết cho ngày xa nhà - Tản văn của PHAN ÐỨC LỘC
Ga tàu ngày đầu xuân, nhộn nhịp và tấp nập hơn. Mới mấy hôm trước còn nô nức chào mừng những đứa con tha hương về quê đón Tết, hôm nay đã phải bịn rịn nói lời tạm biệt.
Đã bao lần con tự hỏi: Mùa xuân là mùa của sum họp hay phân ly? Là mùa của đợi mong hay lo lắng? Chẳng phải Xuân Diệu đã từng thảng thốt: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” đó sao? Thôi thì về xuôi rồi đi ngược âu cũng là quy luật ấy mà. Bao lưu luyến, nhớ nhung, tiếc nuối đâu thể gói đựng hết trong chiếc ba lô con cóc. Đành cất dành bấy nhiêu cảm xúc vào một ngăn ký ức để còn hoài niệm khi chuyến tàu lăn bánh đi xa...
Mẹ mất bảy năm rồi, cha ở vậy nuôi con chứ không đi bước nữa. Đôi vai gầy guộc của cha, bên phải vác nặng trách nhiệm lớn lao của người đàn ông, bên trái gánh gồng nỗi lo toan của người phụ nữ. Về Tết, nhìn cha hết loay hoay xây lại bức tường bong tróc vữa vôi, lại tất bật gói bánh chưng, muối dưa hành, làm mứt dừa, nấu thịt đông mà thương cha nhiều quá. Và theo guồng quay thời gian hối hả, Tết đến nhanh mà cũng hết thật nhanh.
Qua mỗi đợt Tết bận rộn, lưng cha còng thêm một ít, mắt hằn nếp nhăn, tóc bạc đi nhiều. Hai mươi hai tuổi, con vẫn như một đứa trẻ, cắm nồi cơm thì bữa khô, bữa nhão; kho nồi cá thì bữa cháy, bữa mềm. Cha hóm hỉnh nói đùa: “Mười mùa xuân nữa con mới lấy được vợ”.
Ngôi nhà nhỏ của chúng ta, ngôi nhà lợp ngói âm dương cổ kính có giàn mướp hương đơm bông vàng ruộm, có cây đào lỗi mùa chẳng chịu nở hoa mỗi độ xuân sang, có đàn ngan suốt ngày giọng khàn kêu đói, có cái giếng khơi dương xỉ mọc dày... Chao ôi là nhớ! Chao ôi là thương! Trước khi đi, con dùng điện thoại chụp tất cả những cảnh sắc đơn sơ, mộc mạc ấy đến mức đầy bộ nhớ, không phải để đăng lên Facebook, mà để giữ trong mình chút xíu bình yên. Bởi thành phố chen chúc những cao ốc chọc trời, rộn ràng những tiện nghi hiện đại vốn dĩ không thuộc về một đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ thôn quê, đồng ruộng như con. Sau khi tốt nghiệp đại học, con sẽ giữ đúng lời hứa hồi hương lập nghiệp, cha nhé.
Ngày mai con lại lên đường, thẳng tiến vào phương Nam hoàn thành nốt giấc mơ còn dang dở. Cha lọm cọm thức đêm xếp cho con từng chiếc áo, cái quần gọn gàng, ngay ngắn. Bỗng dưng, con muốn ôm cha và khóc ngon lành.
Rồi đây, con sẽ... Sẽ nhớ khắc khoải mùi mồ hôi ngái nồng rịn trên thớ áo sờn màu của cha. Sẽ nuối tiếc vô cùng khi chưa kịp cùng cha trèo lên ngọn đồi sau nhà hái về lá thuốc. Sẽ thèm đến nôn nao nồi cá thửng cha kho mật quyện khói rơm đồng nội. Sẽ khát khao được kể cha nghe bao chuyện vui buồn... Đời người rộng như biển, dài như sông, càng đi xa càng thấy mình nhỏ bé. Đôi chân tung hoành khắp muôn phương, nhưng khi vấp ngã, chỉ có nhà là nơi con thực sự mong mỏi tìm về...
Con thấy đâu đó những giọt nước mắt giã từ. Con nghe loáng thoáng những lời yêu thương giã biệt. Người ở lại tiễn chân người ra đi. Dường như còn vấn vương nhiều lắm. Những vòng ôm thêm thắm. Những cái thơm thêm nồng. Những cái nắm tay thêm chặt. Những cái vỗ vai thêm gần. Chừng ấy cảnh tượng, con đã chứng kiến cả chục lần, nhưng lòng vẫn không khỏi rưng rưng xúc động. Ga tàu mùa xuân rải vàng nắng mới, mà sao con lành lạnh sống lưng. Con sợ khoảnh khắc này, sợ cái cảm giác chờ đợi mỗi năm dài đằng đẵng nữa mới được về quê đoàn tụ với gia đình. Cha vịn vai con dặn dò đủ điều, mắt con ngân ngấn nước. Cha bảo là con trai thì phải luôn mạnh mẽ. Con gắng gượng cười để cha được vui.
Tiếng loa giục giã thông báo, con vội vã bước lên tàu. Cha đứng đó, bên cạnh chiếc xe đạp tróc sơn, dõi theo từng bước chân con, vẫy tay khe khẽ. Con không khóc, nhất định không được khóc. Tàu chuyển bánh đưa con đi nhanh cùng những âm thanh ồn ào quen thuộc. Bóng cha khuất mờ sau lũy tre xanh, lặng lẽ, thâm trầm. Khoảng cách địa lý đã xa dần, nhưng tình cha con vẫn luôn thật ngọt ngào, gần gũi. Ai đó ngồi ở hàng ghế sau nói vu vơ như một lời an ủi: “Ngó trước, ngoảnh sau chẳng mấy mà lại đến Tết thôi”. Ôm chặt ba lô, con can đảm nhìn về phía trước. Phía trước là nắng vàng lấp lánh, là mây êm trắng cả vùng trời. Hơi ấm từ gói xôi đỗ của cha tỏa ra ấm áp, ấm áp như thể vòng tay của cha mãi mãi gần kề.
Chuyến tàu đầu năm đưa con qua những miền quê khác nhau, qua những cánh đồng xanh tươi, qua những chân đồi mầm đang cây cựa vỏ. Xuân trỗi dậy xôn xao dòng nhựa sống. Lòng người bừng lên niềm hy vọng hân hoan. Chỉ cần mình chân thành nghĩ về quê hương thì quê hương sẽ mãi vẹn nguyên bên ngực trái.
Chợt nhớ những câu thơ vụng về mình viết năm mười tám: “Tôi đã đợi chừng ấy năm để thử trải nghiệm cảm giác đi xa/ Rồi nhận ra cuộc sống ngoài kia khác hẳn cái kén tôi được cha bao bọc/ Khi chân chùn, tay run, đầu mệt nhọc/ Hơn một lần mỗi đêm tôi ngóng nhớ quê nhà...” .
P.Ð.L