Sâu sát cơ sở, phát huy vai trò phối hợp
Gắn bó với đội ngũ cộng tác viên (CTV), sâu sát với từng địa bàn là bí quyết thành công của các chuyên trách DS-KHHGÐ ở tuyến xã. Bên cạnh đó, họ còn tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể trên địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đưa chính sách DS-KHHGÐ vào cuộc sống.
Chiếm đa số trong 25 cá nhân có thành tích trong công tác DS-KHHGĐ năm 2016 được Sở Y tế khen thưởng là cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở tuyến xã.
Huy động CTV
Kể từ lúc mang thai đứa con đầu lòng, chị Nguyễn Thị Lệ (27 tuổi, ở xóm 1, thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) đã được chị Trần Thị Hương Chi (CTV DS-KHHGĐ của thôn) đến thăm nom thường xuyên. Không chỉ “lên lịch” khám thai định kỳ ở trạm, chị Chi còn tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt cho “bà bầu”. “Nay đã 39 tuần, kết quả lần khám mới nhất thai vẫn bình thường, nhưng cân nặng của em bé hơi cao, nên càng phải chú ý chặt hơn nữa trong từng bữa ăn”, chị Chi dặn dò.
Gần đến ngày chị Lệ sinh con, chị Chi (trái) càng đến thăm nom thường xuyên hơn.
Cả thôn hiện có 5 “cái bầu”, nhưng 4 người còn lại bầu còn nhỏ nên vẫn đi làm công nhân may, chỉ có Lệ ở nhà chuẩn bị sinh. Chị cho biết, sẽ sinh ở Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước.
Thôn Thọ Nghĩa là địa bàn rộng, với 378 hộ, trước đây có 2 CTV DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, từ tháng 6.2016, do khó khăn về kinh phí, chủ trương “sáp nhập” được thực hiện, chỉ còn một mình chị Chi đảm nhận. Gắn bó với công việc suốt 23 năm qua, nhưng người phụ nữ 47 tuổi này vẫn rất nhanh nhẹn, nhiệt tình. “Nhờ có các CTV như chị Chi, chúng tôi mới hoàn thành được những đầu việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng lại đòi hỏi sự chính xác cao, như rà soát, báo cáo số trẻ sinh, chết, người chuyển đến - đi, người mới kết hôn…”, chị Lê Thị Hoa - chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Nghĩa, chia sẻ.
Phước Nghĩa có 3 thôn, 5 CTV. 2 người trong số đó mới nhận nhiệm vụ chưa đầy 3 năm, tuổi đời cũng rất trẻ. “Mỗi tháng, chúng tôi họp giao ban với CTV 2 lần để báo cáo kịp thời hoạt động trong tháng, phản ánh những khó khăn phát sinh để có hướng giải quyết kịp thời. Ngoài ra, còn phải kèm cặp riêng để những người trẻ dần hoàn thiện kỹ năng, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tuyên truyền”, chị Hoa cho hay.
Chú trọng phối hợp
Thời gian gần đây, kinh phí dành cho hoạt động DS-KHHGĐ bị cắt giảm nhiều. Trong điều kiện khó khăn, các chuyên trách đã năng động “mở hướng”. Ngay từ đầu năm, chị Lê Thị Kim Tuyết - chuyên trách DS-KHHGĐ của xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) đã tích cực tham mưu cho UBND xã chỉ đạo đài phát thanh thông tin thường xuyên hơn các bài viết do Trung tâm DS-KHHGĐ huyện chuyển. Đồng thời, chị cũng tham gia cộng tác tin, bài, với nội dung chủ yếu là pháp lệnh Dân số sửa đổi, nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc SKSS/KHHGĐ…
Bên cạnh đó, chị Tuyết còn phối hợp với Hội LHPN xã tuyên truyền trong đợt cao điểm 8.3 và 20.10 cho 623 lượt người; tổ chức 18 buổi truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, có 1.425 người tham dự; tổ chức 8 buổi nói chuyện chuyên đề về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, với 497 người tham dự…
Trong khi đó, hoạt động phối hợp tại xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn được Trạm Y tế xã liên kết với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân. Qua đó, hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên ở địa bàn thôn, xóm. “Mặt khác, chúng tôi còn tổ chức thăm, tư vấn trực tiếp tại 120 hộ gia đình. Nhờ đó, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong năm qua là 7,9%, giảm 0,8% so với năm 2015; tỉ suất sinh là 10,55‰, giảm 4,51‰”, chị Trần Phương Trâm, chuyên trách DS-KHHGĐ xã, cho biết.
Chú trọng nhiều hơn cho từng gia đình, từng trường hợp cụ thể là xu hướng ngày càng phổ biến trong công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ. Chị Nguyễn Thị Lài - chuyên trách DS-KHHGĐ xã Cát Hải, huyện Phù Cát, cho hay: “Công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi hành vi được liên ngành tập trung vào các đối tượng ưu tiên: các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, các cặp vợ chồng sinh con một bề, có con thứ 2 trở lên chưa sử dụng các biện pháp tránh thai...”.
MAI LÂM