Nước Anh trước nguy cơ tan rã
Lợi ích của quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) còn chưa thấy đâu, nước Anh đã phải đứng trước những nguy cơ nghiêm trọng về toàn vẹn lãnh thổ khi Scotland tỏ rõ quyết tâm đòi độc lập.
Thông tin này đã được Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, khẳng định trong những ngày cuối tuần bằng thông báo cho biết mùa thu năm 2018 sẽ là thời điểm hợp lý để Scotland tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập khỏi Anh. Khi đó, quá trình đàm phán thỏa thuận Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, đã có kết quả cụ thể.
Sở dĩ Scotland muốn thúc đẩy quá trình tách khỏi nước Anh vì đa số người dân của khu vực này phản đối Brexit. Trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của xứ sở Sương mù trong EU năm ngoái, hơn 60% người dân Scotland đã bỏ phiếu ở lại với ngôi nhà chung. Vì thế, ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, lãnh đạo Scotland đã có nhiều cuộc tiếp xúc để thảo luận về việc bảo vệ lợi ích của vùng lãnh thổ này với EU.
Đây không phải lần đầu tiên Scotland đưa ra ý tưởng độc lập khỏi nước Anh. Cách đây 3 năm, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland cũng đã được tiến hành nhưng 55% người dân vẫn muốn đất nước là một phần của Liên hiệp Anh. Tuy nhiên, kết quả lần trưng cầu trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ thay đổi khi phần lớn người dân Scotland chọn là một phần của EU.
Theo các nhà phân tích, nếu người dân Scotland đồng ý độc lập, Anh và Scotland sẽ phải cùng nhau trải qua một tiến trình kéo dài 18 tháng, để đàm phán về mọi thứ, từ dầu ở biển Bắc, đồng tiền riêng đến việc di chuyển căn cứ tàu ngầm hạt nhân chính của Anh... Hiện tại, Scotland đang sử dụng đồng bảng Anh. Khi tách ra, Scotland sẽ phải tự phát hành đồng nội tệ hoặc gia nhập Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) để dùng đồng euro.
Đánh giá về khả năng có được chấp nhận ở lại EU, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, khi đã trở thành một quốc gia độc lập, việc Scotland tiếp tục là thành viên EU không khó. Vì mặc dù chỉ chiếm 1% dân số Châu Âu, nhưng Scotland có 20% trữ lượng cá, 25% năng lượng tái tạo và 60% sản lượng dầu. Do đó, Scotland hoàn toàn có năng lực đóng góp như bất cứ thành viên nào của EU.
Với những tiềm năng như vậy, sự ra đi của Scotland chắc chắn sẽ là một cú giáng mạnh vào cả kinh tế, chính trị và vị thế của Anh trong tương lai. Nếu điều này xảy ra thì cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho 3 thế kỷ cùng chung lịch sử kể từ khi Bộ luật Liên minh (Act of Union) được thực thi vào năm 1707, đưa Scotland, Bắc Ireland, xứ Wales và Anh về chung một mái nhà có tên gọi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, hay gọi tắt là Anh. Nguy hiểm hơn, sự việc này cũng có thể tạo hiệu ứng dây chuyền cho Bắc Ireland tiến hành động thái tương tự vì trong cuộc trưng cầu dân ý năm trước, đa số người dân Bắc Ireland cũng đã bỏ phiếu ở lại EU.
Theo Quỳnh Dương (HNM)