Lãnh đạo doanh nghiệp Việt đang đi chậm hơn thế giới 15 năm
Những lãnh đạo doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam cần đến 5 - 15 năm nữa mới có thể thích ứng được với vai trò lãnh đạo ở tầm khu vực và toàn cầu.
Đây là một trong những kết luận của Nghiên cứu “Năng lực của các lãnh đạo doanh nghiệp” được thực hiện trên 9 quốc gia châu Á với 165 người đang giữ vai trò lãnh đạo cấp cao (Leadership Mosaics Across Asia) được Human Capital Leadership Institute (Viện Quản trị Năng lực Lãnh đạo - Singapore) thực hiện và công bố tuần qua tại TPHCM.
Kết luận đáng chú ý của nghiên cứu là “Những lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần đến 5 - 15 năm nữa mới có thể thích ứng được với vai trò lãnh đạo ở tầm khu vực và toàn cầu”. Kết quả này được hầu hết trong số 50 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia lễ công bố thừa nhận là hợp lý khi xét đến thực tế kinh tế Việt Nam chỉ mới thực sự tăng trưởng trong 15 năm qua.
Câu hỏi đặt ra là, làm sao để nâng tầm năng lực lãnh đạo trong thời kỳ hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, để tiến kịp thời đại?
“Làm chủ một doanh nghiệp chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, thách thức cũng sẽ ngày càng tăng cao với các doanh nghiệp có tầm nhìn vươn ra biên giới”, theo bà Tiêu Yến Trinh – Giám đốc điều hành của công ty Talentnet.
“Có 3 kim chỉ nam quan trọng cho lãnh đạo doanh nghiệp: Tìm kiếm và tận dụng tối đa các cơ hội tham gia, giao lưu cùng các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và mang tầm khu vực, quốc tế; Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, quy trình làm việc nội bộ, dần chuẩn hóa tổ chức bộ máy theo chuẩn quốc tế để kịp thích nghi khi thời cơ đến; Trong vai trò kết nối các cá nhân trong tổ chức, hoặc khi giao tiếp, làm việc cùng các đối tác quốc tế, ngoài sự cởi mở, cần thể hiện sự chân thành và tôn trọng”, bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ.
Các lãnh đạo doanh nghiệp khác, ông Praneeth Yendamuri - Giám đốc điều hành Kimberly-Clark Vietnam và Praneeth Yendamuri khu vực Đông Dương, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng đồng tình rằng, để doanh nghiệp tiến kịp nhịp độ phát triển và hội nhập quốc tế cần đảm bảo nguyên tắc “nội vững mạnh - ngoại tiến bước”.
Tức là, phải làm sao để vừa phát triển bền vững, hiệu quả cao trong nội tại công ty song vẫn có thể vươn ra xa hơn tới các thị trường quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp trước khi “bành trướng” ra thị trường quốc tế cần đầu tư nâng tầm nguồn lực nội tại của mình trước.
Cụ thể, thứ nhất cần tối ưu hóa chất lượng nguồn nhân lực của mình, đầu tư vào lớp lãnh đạo kế thừa bằng việc đưa họ tham gia các tổ chức, sự kiện liên quan có quy mô quốc tế, đa văn hóa nhằm kích thích nhu cầu phát triển bản thân. Đây cũng chính là nguồn lực nòng cốt để đảm bảo hoạt động bền vững của công ty.
Thứ hai, người dẫn đầu cần đảm bảo cả “tầm” và “tâm” của mình với đội ngũ cũng như chất lượng dịch vụ và sản phẩm cung cấp tại thị trường nội địa, trước khi quyết định tiến xa tới các lãnh địa nước ngoài.
Thứ ba, cơ chế tổ chức vận hành của doanh nghiệp cần được hệ thống hóa rõ ràng, mạch lạc để sẵn sàng thích ứng với những sự thay đổi mới theo yêu cầu tại các thị trường ngoài nước sau này.
Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu, ngoài một lãnh đạo “chuẩn”, cần phải có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời cho lớp lãnh đạo cận kề. Tuy nhiên, làm sao để thuyết phục và tạo cảm hứng cho lớp lãnh đạo tiềm năng này kiên trì trên chặng đường vượt khó và trở thành người đủ tầm dẫn dắt tổ chức hội nhập quốc tế lại đòi hỏi nhiều công sức và đầu tư.
Theo kinh nghiệm của các CEO đương nhiệm, lộ trình phát triển lãnh đạo tiềm năng tiến gần hơn với chuẩn hội nhập toàn cầu cần những bước cơ bản sau: Tạo cơ hội cho lớp lãnh đạo trẻ tiềm năng tiếp cận, tương tác với môi trường, văn hóa làm việc quốc tế sớm nhất có thể. Từ đó có những trải nghiệm và điều chỉnh kịp thời; Chia sẻ những câu chuyện thành công, những tấm gương điển hình để họ dễ hình dung bức tranh thành công mà bản thân cần hướng tới. Theo đó các lãnh đạo tiềm năng kế thừa sẽ chủ động hơn trong việc phát triển năng lực của chính mình; Đồng hành cùng họ từ việc phân tích năng lực bản thân và tiêu chuẩn quốc tế, để ra lộ trình phát triển và hoàn thiện năng lực lãnh đạo. Tin tưởng giao trách nhiệm, chấp nhận và tạo điều kiện cho những phát kiến, thay đổi được thực hiện và không ngại chấp nhận những sai sót.
Theo ông Phạm Hồng Hải, khác biệt văn hóa không quá “đáng sợ” cho các lãnh đạo doanh nghiệp trên hành trình hội nhập quốc tế. Cụ thể, “thái độ cởi mở, chân thành mới là một trong những tiêu chí đầu tiên các lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm” trong bối cảnh hội nhập kinh doanh toàn cầu hiện nay. Cũng theo ông Hải, “mỗi cá nhân đều có nhu cầu được đối xử công bằng và tôn trọng, nên đây cũng sẽ là thái độ cần được các lãnh đạo doanh nghiệp lãnh hội và thể hiện ra khi tương tác và giao tiếp. Đặc biệt, các ứng viên tiềm năng cho vai trò lãnh đạo doanh nghiệp cần được tạo cơ hội cọ xát quốc tế, bước ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt thông qua các hoạt động giao lưu, công tác và đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Khi đó, họ mới có thể cân đo đong đếm được năng lực của chính mình và có định hướng rõ ràng hơn, kịp thời chuẩn bị tâm thế cho các yêu cầu quốc tế hóa của tổ chức”.
“Với những hiệp ước thương mại đang được ký kết, Việt Nam ngày càng hội nhập nền kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt đang đứng trước rất nhiều cơ hội, yêu cầu phải thay đổi. Sự thay đổi này bao gồm việc tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản lý chuyên môn, nâng cao kỹ năng cho nhân viên và quy mô doanh nghiệp”, ông Praneeth Yendamuri nói, “Theo tôi, mô hình đội ngũ lãnh đạo đa văn hóa và quốc tịch tại các công ty đa quốc gia đã và đang tạo ra bước đệm hiệu quả cho các đội ngũ lãnh đạo tiềm năng của Việt Nam cọ xát và tự bồi dưỡng bản thân tốt hơn, làm quen dần với cơ chế vận hành mang tầm quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai"./.
Theo Đức Nam (Thesaigontimes/VOV)