Sáng nay công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 sẽ được Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay, 14.3.
Đây là lần thứ 12 liên tiếp VCCI cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Đà Nẵng liên tục giữ ngôi vị quán quân PCI cấp tỉnh từ năm 2013 trở lại đây.
Để đưa ra đánh giá, VCCI đã thu thập dữ liệu từ 10.037 doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong đó có 2.042 doanh nghiệp thành lập trong năm 2015 và 2016 và 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 46 quốc gia đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố.
Sau một thời gian mất ngôi vương vào tay một số tỉnh như Lào Cai, Đồng Tháp... từ năm 2013 Đà Nẵng đã trở lại và liên tục giữ vị trí này trong 3 năm qua. Địa phương này cũng đã nỗ lực trong suốt năm qua để duy trì vị trí quán quân của mình.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) ngoài bảng xếp hạng PCI, phân tích về xu hướng thay đổi các lĩnh vực điều hành cấp tỉnh, báo cáo PCI năm nay như thường lệ có chương riêng đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo PCI 2016 cũng sẽ có chương riêng về cảm nhận của doanh nghiệp về các vấn đề môi trường trong bối cảnh nhiều sự cố môi trường gây thiệt hại lớn trên cả nước.
Ngoài lễ công bố, buổi chiều cùng ngày lãnh đạo VCCI và các địa phương sẽ có phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá về mô hình trung tâm hành chính công tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin và các sáng kiến mới như bác sĩ doanh nghiệp, café doanh nhân…
Năm ngoái, sau khi khảo sát cả 10 hạng mục Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng với số điểm 68,34. Đây là năm thứ 3 liên tiếp và cũng là lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số được công bố. Đồng Tháp đứng thứ 2 với 66,39 điểm và kế tiếp là Quảng Ninh 65,75 điểm. Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm)...
PCI năm 2015 cũng lần đầu tiên ghi nhận sau 4 năm khoảng cách giữa nhóm đầu bảng và cuối bảng đã bắt đầu được nới rộng. Đây có thể là tín hiệu cho thấy các tỉnh “ngôi sao” đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Theo VnExpress