Hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - 2017: Doanh nghiệp vì người tiêu dùng!
Từ lâu, tình trạng quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) bị xâm hại đã trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xâm hại đối với NTD có trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN). Vì vậy, chủ đề của ngày Quyền của NTD Việt Nam (15.3) năm nay được chọn là “DN vì NTD”.
Kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là giải pháp bảo vệ quyền lợi NTD.
56% NTD bị xâm phạm quyền lợi
Thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi NTD. Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương, nhóm những hành vi vi phạm quyền lợi NTD nhiều nhất trong thời gian qua là: Chất lượng hàng hóa không đảm bảo (25%); bị quấy rối thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn (18%); gian lận về đo lường (16%); gian lận về xuất xứ (12%); gian lận về thời hạn sử dụng (10%); không cung cấp hóa đơn, chứng từ mua hàng (8%); không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo hành (7%)... Nhóm hàng hóa, dịch vụ được NTD phản ánh đã từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua gồm: Thực phẩm, nước giải khát (19,69%); đồ điện tử, gia dụng (13,05%); hàng hóa tiêu dùng hằng ngày (12,88%); điện thoại, viễn thông (9,17%); du lịch, nhà hàng (5,6%), y tế, chăm sóc sức khỏe (5,29%)...
Qua khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh, có hơn 56% NTD cho biết đã từng bị xâm phạm quyền lợi. Tuy nhiên, cũng có trên 50% NTD chưa từng liên hệ với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào yêu cầu hỗ trợ giải quyết tranh chấp, và khoảng 44% NTD “im lặng” khi bị xâm phạm quyền lợi.
Đối với địa bàn Bình Định, theo ông Trần Đức Tiến - Phó giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian qua trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra không ít vụ việc xâm hại đến quyền lợi của NTD. Đó là vụ làm giả hàng tấn bột ngọt, bột nêm phát hiện vào tháng 9.2014; vụ sản xuất khăn ướt giả phát hiện vào tháng 8.2016; vụ vận chuyển trái phép 1.300 kg thịt động vật hôi thối phát hiện vào đầu năm 2017...
Hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh cũng có phần trầm lắng. Theo Sở Công Thương, trong năm 2015, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh không giải quyết được vụ việc nào xâm hại đến quyền lợi NTD; còn năm 2016 thì Hội gần như “án binh bất động”.
DN vì NTD
Chính vì tình hình xâm hại quyền lợi NTD diễn biến phức tạp, ngày 10.7.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15.3 hàng năm là ngày Quyền của NTD Việt Nam. Chủ đề “DN vì NTD” được Bộ Công Thương chọn trong năm nay cũng là nhằm nâng cao trách nhiệm của DN, xã hội đối với NTD nói riêng và người dân nói chung; giúp DN thực thi đúng các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nguyện vọng của NTD; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng, kinh doanh lành mạnh, bền vững, từ đó tạo ra động lực phát triển, nâng cao lợi thế cạnh tranh, năng lực cạnh tranh cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH ổn định và bền vững.
Theo ông Phạm Tấn Thành, Phó giám đốc Sở Công Thương, ngay từ giữa tháng 1.2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2017; giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương hưởng ứng, tham gia, tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền trực quan, Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương sẽ phối hợp với các hiệp hội DN, kêu gọi cộng đồng DN hoạt động trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động vì NTD, như tổ chức các chương trình, hoạt động tri ân NTD; hỗ trợ bảo hành sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn, tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại và các hoạt động tri ân khác đối với NTD.
Sở Công Thương sẽ tổ chức các chương trình ký kết, cam kết DN cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng, vì NTD; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên dương các DN có nhiều hoạt động hướng tới NTD.
VIẾT HIỀN