Ðừng đùa với bóng cười
Sau cần sa, cỏ Mỹ, shisha, giới trẻ đang rỉ tai nhau sử dụng bóng cười, một chất tạo sự phấn khích và ảo giác. Theo những thanh niên sử dụng bóng cười, thú chơi này không nguy hiểm bằng việc dùng những chất kích thích khác; nhưng họ không biết rằng, việc hít nhiều khí cười sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ thần kinh, và rất dễ bị dẫn dụ đến những chất tạo ảo cảm mạnh hơn như ma túy, heroin.
Bóng cười được thanh niên sử dụng trong một quán bia.
Bóng cười (còn gọi là funkyball) thực chất là bong bóng được bơm căng khí nitrous oxide (N2O), chất có khả năng tác động mạnh tới một điểm của hệ thống thần kinh tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng.
“Bóng cười vô hại vì không gây nghiện”, đó là nhận xét của nhiều bạn trẻ thường sử dụng bóng cười bởi cho rằng nó chỉ có tác dụng vài phút rồi thôi. T., một nam thanh niên tôi quen (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), kể: “Thi thoảng đi pub hay vào karaoke, bọn em vẫn dùng bóng, thấy bình thường, sảng khoái tí rồi thôi”. T. cho hay, ở Quy Nhơn có vài người cung cấp bóng cười, ngoài ra một số pub cũng bán cho khách có nhu cầu.
Sau hồi giao dịch qua điện thoại với B., một người bán bóng cười, tôi theo T. đến điểm hẹn để lấy bóng vì khách mua lẻ thì không được giao hàng tận nơi. Giá bán bóng cười là 50 - 100 ngàn đồng/chiếc, tùy bóng to hay nhỏ. T. mua 4 chiếc bóng đã được bơm căng, sau đó chúng tôi cùng mang đến một quán karaoke. Như để chứng minh với tôi rằng bóng cười không ảnh hưởng sức khỏe vì không “nặng đô” như các loại chất kích thích khác, T. kê miệng vào cuống quả bóng hít chất khí đã được bơm vào bóng, sau đó thở khí trở lại vào làm cho quả bóng to lên. Hít - thổi liền 2 lần như thế, nhưng không hề có biểu hiện cười. T. nói: “Có thể do khí cười ở mình loãng, chứ em đã dùng bóng cười mang từ TP Hồ Chí Minh về rồi, phê lắm. Sau vị ngọt thơm và tê tê nơi khóe môi thì cơ miệng đơ ra và gây cười, cười không thể kiểm soát tầm 2 - 3 phút gì đó thì thôi, chứ không thấy biểu hiện gì khác”.
Thấy tôi còn băn khoăn thì C., cô bạn của T., rủ: “Nếu chị muốn thấy rõ hơn, đi với bọn em vào quán pup này đi. Bóng cười cũng chỉ là một loại chất chơi cho vui thôi, còn nghiện hay không là do bản thân mình!”.
Tôi theo chân nhóm bạn của T. vào một quán pub trên đường Trần Độc, TP Quy Nhơn. 22 giờ, quán bắt đầu đông khách, đa phần là người trẻ. Lướt mắt quanh quán một lượt, không quá khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ đang đắm mình trong điệu nhạc. Ngoài việc hút shisha, uống bia, còn có những bạn trẻ đang thổi, hít các quả bóng cười đủ màu sắc xanh, đỏ. C. giải thích thêm: “Sau khi hít thật sâu khí cười vào phổi thì nín thở, sau đó mới thở khí trở lại vào quả bóng. Mình có thể lặp đi lặp lại hai lần hít- thở cho quả bóng căng rồi xẹp, khi khí cười ngấm vào người thì sẽ tạo cảm giác phấn khích, cười, khi thuốc tan hết thì ngừng cười”.
Khí N2O gây vô cảm hoặc tê mê toàn thân nhưng không mất tri giác nên nó thường được sử dụng trong y khoa như một chất gây tê, giảm đau. Nhưng nhiều thanh niên đã lạm dụng việc hít khí cười qua sử dụng “bóng cười” mà không biết rằng, khi hít nhiều khí này (cơ thể rất khó kiểm soát lượng khí hít vào) và với tần suất lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây nôn ói, rối loạn chuyển hóa cơ thể, sử dụng nhiều sẽ gây nghiện. Theo một bác sĩ chuyên khoa I, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, N2O là một chất khí gây kích thích hệ thần kinh, tạo hưng phấn, tùy vào từng thể trạng mà có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên khí này có thể gây ra các rối loạn như rối loạn nhịp tim, rối loạn giấc ngủ, hạ huyết áp, thiếu máu. Ngoài ra, nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, co giật, suy hô hấp.
KIỀU ANH