Hoài Ân: Ðổ xô trồng keo trên đất nông nghiệp
Do buông lỏng quản lý, chính quyền địa phương một số nơi ở huyện Hoài Ân đã để người dân trồng cây keo trên đất nông nghiệp, gây tác hại nhiều mặt.
Cây keo “át” hoa màu, cây lúa
Dọc tỉnh lộ 631 qua xã Ân Tường Đông (Hoài Ân), chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đám keo thẳng tắp, xanh tốt mọc trên đất được quy hoạch trồng cây màu hàng năm. Tại các thôn Thạch Long 1, Thạch Long 2, Trí Tường và Lộc Giang của xã, nhiều đám keo trồng tự phát trên đất trồng mía, mì, đậu phộng nằm cạnh các ruộng lúa. Đa số bà con trồng lúa ở đây nhận xét, trồng keo trên đất màu, gần đất canh tác lúa khiến năng suất lúa bị giảm.
Ở thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân), việc trồng cây keo nằm xen kẽ với đất trồng lúa đã làm giảm năng suất lúa.
Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, thừa nhận: “Những năm gần đây, trồng cây nông sản ngắn ngày không có lợi, thậm chí có vụ còn lỗ vốn trong khi trồng keo lai cho thu nhập khá, nên nhiều hộ tự ý trồng keo trên đất nông nghiệp. Hiện, toàn xã có hơn 10 ha keo trồng trên đất nông nghiệp. Việc này không những làm sai mục đích sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, gây nhiều tác động tiêu cực về sau”.
Tại xã Ân Tín cũng diễn ra tình trạng tương tự. Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ân Tín, thống kê sơ bộ cả xã hiện có trên 2 ha đất nông nghiệp đang được người dân trồng keo. Chính quyền xã đã vận động, yêu cầu các hộ trồng keo phải sử dụng đất đúng mục đích nhưng họ vẫn phớt lờ. Ông Minh giải thích: “Ban đầu một số hộ trồng keo tự phát trên đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, nên sau đó các hộ này cũng phải trồng keo. Chính quyền địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu nên tình trạng này vẫn tiếp diễn”. Tại xã Ân Tường Tây cũng đang có khoảng 2 ha đất nông nghiệp trồng keo lai, chủ yếu nằm dọc sông Kim Sơn (thôn Phú Hữu 1). “Xã đã mời các hộ trồng keo ký cam kết không được trồng sau khi thu hoạch” - ông Võ Trọng Thu, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Tây, cho biết giải pháp của xã.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT:
Việc người dân ở huyện Hoài Ân ồ ạt trồng cây keo trên đất nông nghiệp là sai quy định, cần phải phá bỏ. Bởi, cây keo khi cao lớn, khép tán, che phủ ánh nắng mặt trời, làm những loại cây ở phía dưới không thể quang hợp. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống đất sẽ khiến các loại cây, cỏ bị chết sạch. Rễ keo hút chất dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, khô cứng, phá hủy kết cấu đất nên sau này rất khó để trồng các loại cây hoa màu hoặc trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Những năm gần đây, cây mì, cây mía bị thất sủng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định; ngược lại, cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn có giá, thấp nhất cũng được hơn 1 triệu đồng/tấn, nên nhiều gia đình đổ xô trồng keo. UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn vận động, nhắc nhở, nhưng vì lợi ích trước mắt người dân vẫn làm. Tuy chưa thống kê chính xác diện tích đất nông nghiệp đã bị sử dụng trái mục đích, nhưng hầu hết các xã, thị trấn đều trồng với tổng diện tích khá lớn.
Cần kiên quyết xử lý
Theo các địa phương, tuy người dân trồng keo trên đất nông nghiệp là sai mục đích sử dụng đất, nhưng đây là những vùng thiếu nước tưới, trồng cây hoa màu, cây lúa rất khó khăn. Nhưng, để tránh xảy ra tình trạng người dân ồ ạt trồng cây keo trên đất nông nghiệp dẫn tới phá vỡ quy hoạch sử dụng đất cần phải xử lý cương quyết.
Năm 2016, UBND xã Ân Tường Đông đã cưỡng chế, nhổ bỏ 17 ha keo trồng trái phép trên đất mía ở cánh đồng Trường, thôn Lộc Giang và 5 ha keo trồng trên đất lúa ở cánh đồng Trụ, thôn Thạch Long 2. Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Lợi nói: “Thời gian tới, ngoài rà soát, thống kê đầy đủ diện tích đất nông nghiệp đang được trồng keo để xử lý theo quy định, xã tiếp tục khuyến cáo bà con phải tuân thủ sử dụng đất theo đúng quy hoạch để tránh những tác động xấu sau này. Riêng phần đất nông nghiệp nằm trong diện thiếu nước tưới, không có khả năng để sản xuất lúa, hoa màu, xã sẽ rà soát, thống kê và kiến nghị với huyện xem xét, đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất hoặc chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, UBND tỉnh đã quy hoạch đất trồng lúa và quy hoạch cho sản xuất cây lâm nghiệp. Do đó, việc người dân đưa cây keo trồng trên đất quy hoạch cho sản xuất lúa, hoa màu sẽ dẫn đến những hệ lụy về sau. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về các địa phương. Về hướng xử lý, ông Hòa nói: “Đối với diện tích trồng lúa đã được quy hoạch nhưng không đảm bảo nước tưới, huyện yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp như mía, mì, đậu... hoặc chuyển đổi mô hình trồng cỏ để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Dứt khoát không được trồng keo”.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Ân, nêu quan điểm: “Phòng đang đôn đốc UBND các xã, thị trấn sớm kiểm tra, lập danh sách để có cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND huyện xem xét, xử lý. Phòng yêu cầu địa phương vận động người dân phá bỏ cây keo đã trồng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất đúng quy hoạch. Việc ngăn chặn, xử lý sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng cần phải kiên quyết làm để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch sử dụng đất”.
TRỌNG LỢI