Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh: Chú trọng công tác phong trào và phát triển hội viên
Những năm gần đây, nhờ chú trọng phát triển hội viên, nhiều sinh viên, người dân tộc thiểu số... có năng khiếu văn học nghệ thuật đã có thêm điều kiện phát triển tố chất; được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh. Bên cạnh đó, từ nỗ lực chăm lo công tác phong trào, một số địa phương có hoạt động VHNT vốn khá trầm lắng, cũng bắt đầu có sự chuyển mình tích cực.
Thêm nhân tố mới
Theo Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Trần Quang Khanh, một trong những kết quả nổi bật trong công tác phong trào những năm gần đây là đã góp phần mang lại đời sống VHNT sôi nổi hơn tại một số địa phương cánh Bắc tỉnh vốn khá trầm lắng về VHNT.
Phát hiện năng khiếu sáng tác, nuôi dưỡng phong trào thông qua tổ chức trại sáng tác VHNT trẻ là một trong những cách làm phong trào hiệu quả của Hội VHNT tỉnh.
- Trong ảnh: Các trại viên có sáng tác tốt được tuyên dương tại lễ tổng kết Trại sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh - lần thứ I hè 2015 do Hội VHNT tỉnh phối hợp cùng Sở VH-TT, Sở GD&ĐT tổ chức.
Lâu nay, nói đến những địa phương trong tỉnh có bề dày về VHNT, người ta thường nhắc ngay đến Quy Nhơn, An Nhơn... Những năm gần đây, có nhiều chuyển biến tích cực nhất là ở ba địa phương: Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Hoài Ân. Ở lĩnh vực văn học, tại các địa phương này một số cây bút mới giàu nội lực, tiềm năng đã nổi trội lên: Phù Mỹ có Lưu Thị Mười, Hoài Ân có Ngô Văn Cư, Võ Hạnh, Trương Công Tưởng...; Hoài Nhơn có Vĩnh Tuy, Nguyễn Thường Kham...
Đặc biệt, đây cũng là những tác giả giữ vai trò hạt nhân ở từng địa phương, là cánh tay nối dài của Hội đến cơ sở, đã giúp Hội rất nhiều trong công tác phong trào - ông Trần Quang Khanh cho biết. Chuyển biến tích cực trên lĩnh vực VHNT ở một số huyện cánh Bắc tỉnh thời gian qua rất rõ ràng, khi đầu năm 2015, Chi hội VHNT Xứ Hoài (gồm 3 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão) đã được thành lập (trực thuộc Hội VHNT tỉnh).
Chiều sâu trong thực hiện công tác phong trào ở Hội VHNT, không chỉ là tổ chức những hoạt động thiết thực, mà còn ở mối dây liên hệ với hội viên, tạo nên sự gắn bó. Thiên Nga So Zuôn, cây bút 33 tuổi người dân tộc Bana, sống ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh, hội viên mới được kết nạp vào Chi hội Văn học đầu năm 2016, kể: “Làng tôi ở không có điện, sóng di động chập chờn, nhà tôi không có máy vi tính, vài năm qua, mọi tác phẩm tôi viết ra hay sưu tầm được chỉ có thể viết tay gửi bưu điện, Hội có người đánh máy giúp. Mỗi lần xuống Quy Nhơn dự các hoạt động của Hội, ngoài được hỗ trợ chi phí đi lại, các anh chị lại chủ động gọi điện để đưa đón vì sợ mình lạc đường hoặc đi xe ôm tốn kém. Từ khi cầm bút viết lách, sưu tầm, nhất là khi tham gia vào “mái nhà văn nghệ” của tỉnh và nhận lại rất nhiều sẻ chia, mình cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn lên, càng muốn sáng tác, sưu tầm tốt hơn để cảm ơn “nhịp cầu” văn nghệ đã mang đến cho cuộc sống mình một nguồn sinh khí mới”.
Bồi dưỡng tác giả trẻ
Để đầu tư cho việc phát hiện, bồi dưỡng sáng tác trẻ, từ năm 2014, Hội VHNT tỉnh đã duy trì tổ chức định kỳ hàng năm Trại sáng tác VHNT trẻ Bình Định. Và ngay từ đầu, kế hoạch này đã được xác định là phải làm dài hơi.
Mới đầu, Trại chỉ hướng đến lĩnh vực văn học. Từ lần 2, đã mở rộng thêm hai lĩnh vực mỹ thuật và âm nhạc. Đồng thời, Hội VHNT tỉnh còn mời cả năng khiếu trẻ ở một số tỉnh bạn tham gia, để qua đó có cơ sở “biết người biết ta”.
Qua nhiều năm theo dõi Trại sáng tác này, điều phấn khởi trước mắt đó là mỗi năm lại có thêm những năng khiếu mới, tuổi trẻ hơn từ địa phương tuyển chọn và giới thiệu. Có thể nói, chính nhờ sự quan tâm, ưu tiên chăm lo công tác phong trào, sáng tác trẻ và chuẩn bị lực lượng VHNT kế cận mà sau nhiều năm, Bình Định đã khắc phục được tình trạng hẫng hụt sáng tác trẻ, ít nhất là tại một sự kiện quy mô toàn quốc dành cho sáng tác văn học trẻ.
Tại một số kỳ Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc, Bình Định hoặc phải giới thiệu lại gương mặt cũ hoặc không tham gia vì không có người mới đủ điều kiện. Tại sự kiện lần thứ 9 này (9.2016 tại Hà Nội), Bình Định có 3 cây bút trẻ được mời tham gia, trong đó Hội VHNT tỉnh “đóng góp” 2 hội viên (Lê Văn Đồng và Trương Công Tưởng).
Phát triển hội viên mới
Trong 5 năm qua (nhiệm kỳ IV 2012 - 2017), Hội VHNT tỉnh đã kết nạp 124 hội viên, nâng số lượng hội viên hiện có lên 316 người. Đây là giai đoạn mà công tác phát triển hội viên được chú trọng thực hiện hiệu quả, hướng đến đối tượng hội viên là nữ, trẻ (trong độ tuổi sinh viên hoặc mới tốt nghiệp), người dân tộc thiểu số.
Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Trần Quang Khanh, trong công tác phong trào, vẫn còn những điều chưa làm được khiến Hội rất trăn trở. Tiêu biểu như việc sớm khắc phục tình trạng có quá ít hội viên ở 2 huyện miền núi An Lão và Vân Canh (mỗi nơi hiện chỉ có 2 hội viên), đồng thời, khơi dậy đời sống sáng tác, sinh hoạt VHNT còn trầm lắng tại những địa phương này.
“Giải pháp sắp tới, Hội tăng cường hoạt động giao lưu VHNT trong nhà trường tại các huyện trung du, miền núi; đưa các chương trình VHNT về tổ chức ở cơ sở, trong đó có chương trình quan trọng là Ngày thơ Việt Nam, để hướng đến phục vụ đối tượng là người dân nông thôn, miền núi. Với đối tượng kết nạp hội viên là người dân tộc thiểu số, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn của từng chi hội chuyên ngành, Hội có chế độ ưu tiên như hỗ trợ chi phí trong quá trình di chuyển, đi lại để làm thủ tục; hướng dẫn tận tình việc làm hồ sơ, về những quyền lợi, lợi ích khi tham gia vào Hội...”, ông Trần Quang Khanh, cho biết.
SAO LY