Thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 600 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) trên toàn cầu, với số tử vong lên đến 3 triệu người/năm. Ðây là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư, sau bệnh tim thiếu máu cục bộ, các bệnh ung thư và đột quỵ.
Việt Nam hiện có khoảng 3 triệu người mắc BPTNMT. Tại Bình Định, BPTNMT là một trong những bệnh hô hấp phổ biến nhất khiến người bệnh phải vào viện trong tình trạng cấp cứu, nhất là khi trời trở lạnh hoặc mưa nắng thất thường. Theo các bác sĩ tại BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Phú Phong và BVĐK khu vực Bồng Sơn, khá đông người bệnh vào trong tình trạng rất nặng. Đó là một bệnh dai dẳng, khó trị, tái phát gần như thường xuyên vào các tháng có thời tiết ít thuận lợi và tiên lượng rất nghiêm trọng.
Nhưng BPTNMT là một bệnh có thể phòng ngừa được. Các nhà khoa học nhận thấy có mối liên quan hết sức chặt chẽ giữa thói quen hút thuốc lá và BPTNMT. Ở khắp nơi trên thế giới đều có báo cáo hết sức rõ ràng: thời gian hút thuốc lá càng lâu dài, số điếu hút mỗi ngày càng nhiều thì nguy cơ mắc bệnh càng gia tăng. Khoảng 20-30% người hút thuốc lá mắc BPTNMT. 90% người mắc BPTNMT có thói quen hút thuốc lá với số lượng nhiều, thời gian lâu và gần như liên tục từ năm này qua năm khác. Số còn lại là những người hút thuốc lá thụ động hoặc có thói quen tiếp xúc lâu năm với khói bếp.
Thật ra điều này cũng dễ hiểu. Vì nếu bạn khỏe mạnh, khi hít vào, oxy dễ dàng di chuyển xuyên qua các phế nang để vào các mao mạch và tới các phần còn lại của cơ thể. Còn khi bạn thở ra, khí CO2 được vận chuyển từ các mao mạch vào các phế nang để loại bỏ khỏi cơ thể. Quá trình trao đổi khí cứ lặp đi lặp lại như vậy khi hít thở. Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thì quá trình ấy lại không suôn sẻ như vậy. Do sự tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn diễn ra thường xuyên và lâu dài, các phế nang và những vách ngăn mỏng nằm giữa các phế nang ấy đều bị viêm và suy thoái dần. Chúng dày lên, khả năng đàn hồi kém đi và thực hiện chức năng trao đổi khí hết sức khó khăn. Từ đó, lượng không khí vào và ra khỏi đường hô hấp ít đi, thành đường hô hấp ngày một dày thêm, có phản ứng viêm mạn tính, tăng sản xuất nhầy và tắc nghẽn đường dẫn khí.
Điều đáng mừng là nguy cơ mắc và tần suất tái phát các cơn cấp của BPTNMT giảm đi rõ rệt nếu những người nghiện sớm từ bỏ thuốc lá. Như vậy, không còn cách nào khác, điều hết sức cần thiết là những người nghiện thuốc lá và những người đã mắc BPTNMT phải từ bỏ thuốc lá ngay, càng sớm càng tốt.
BS TRẦN NHƯ LUẬN