Vay trả góp, coi chừng “sập bẫy”
Gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, nhất là tại TP Quy Nhơn, dịch vụ cho vay trả góp với hình thức tín chấp nở ra như nấm sau mưa. Người hoạt động trong lĩnh vực này phát tờ rơi, dán quảng cáo nhiều nơi như ở cột điện, đèn tín hiệu giao thông với: “thủ tục nhanh gọn”, “lãi suất cực thấp”, “giải ngân trong ngày”. Người vay chỉ cần có chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.
Những tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp nhan nhản khắp nơi.
Mới xem qua nội dung quảng cáo, nhiều người cảm thấy dịch vụ này vừa nhanh gọn, vừa đơn giản, không cần thế chấp tài sản vẫn vay được tiền. Thế nhưng, sự thật thì người vay thường chịu mức lãi suất cao, khó có thể trả hết nợ và đối mặt với nhiều rủi ro khác.
Nếu vay trả góp kiểu này, người vay thường chịu lãi suất từ 8-12%/tháng do người cho vay ấn định. Việc hoàn trả vốn được tính thời hạn bằng tháng; trường hợp người vay không trả đúng hạn thì tiền lãi sẽ được cộng lũy kế vào tiền gốc để tính lãi phát sinh trong thời gian tiếp theo.
Theo một số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, thực chất của việc cho vay trả góp là hình thức “vay nóng” như nhiều người vẫn gọi. Để đối phó với các cơ quan chức năng, người cho vay thường ghi trong hợp đồng lãi suất không vượt quá 10 lần lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Nhưng thực tế, khi đã thực hiện giao dịch, mọi việc hoàn toàn khác, nhất là cách tính lũy kế tiền lãi vào tiền gốc khi người vay không trả đúng hạn. Với cách tính này, khi “lãi mẹ đẻ lãi con” thì người vay sẽ lâm vào cảnh nợ chồng nợ, số tiền gốc và lãi phải trả cao hơn nhiều lần so với tiền đã vay. Nếu chậm trễ người vay có thể bị uy hiếp về tinh thần, bị xiết nợ, đe dọa hành hung, bởi người cho vay trả góp thường liên kết với một số đối tượng chuyên hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê.
Do đó, mọi người cần cẩn thận khi chọn dịch vụ này; bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý đối với những người mượn danh cho vay trả góp để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.
HỒNG NHUNG