Kết quả kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại UBND cấp xã: Cán bộ xã chấp hành chưa nghiêm
Ðây là một trong những nội dung đáng chú ý về kết quả thanh tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương tại UBND cấp xã mà Ðoàn Thanh tra công vụ của Sở Nội vụ kiểm tra đột xuất tại 33 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, từ ngày 28.11 đến ngày 2.12.2016.
Tại thời điểm kiểm tra lúc 7 giờ 20 phút, bộ phận “một cửa” UBND xã Cát Tiến không đầy đủ người. Ảnh: KIM CHI
Lãnh đạo xã không biết cán bộ xã làm gì, đi đâu
Theo báo cáo kết quả thanh tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương tại UBND xã, phường, thị trấn do Sở Nội vụ ban hành ngày 3.3.2017, tại thời điểm Đoàn thanh tra công vụ kiểm tra, có 197/646 cán bộ, công chức (CBCC) biên chế của 33 UBND xã, phường, thị trấn vắng mặt. Tỉ lệ người có mặt tại trụ sở làm việc là 70%. Tuy nhiên điều này chưa phản ánh hết thực tế vì còn tùy vào thời điểm kiểm tra và trong từng điều kiện cụ thể.
Như, tại xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), 100% CBCC xã có mặt tại trụ sở; trong khi đó tại UBND thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), 91% CBCC có mặt là do lúc đó toàn Đảng bộ xã đang họp đánh giá phân loại đảng viên hàng năm. Ngược lại, một số xã có tỉ lệ CBCC có mặt vào đầu giờ và cuối giờ hành chính thấp, như: xã Cát Tài (huyện Phù Cát) chỉ 32% CBCC có mặt, Ân Đức (Hoài Ân) 33%, Hoài Đức (Hoài Nhơn) chỉ 24%. Các xã khác có tỉ lệ CBCC có mặt dưới 50% là Hoài Châu (Hoài Nhơn) 33%, Cát Lâm (Phù Cát) 47%. Cá biệt, tại xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân), vào lúc 13 giờ 45 phút, chỉ có 5/20 CBCC có mặt (25%), lãnh đạo xã cũng không có mặt và đa số các bộ phận chưa làm việc. Đáng chú ý, theo đánh giá của Đoàn thanh tra “Đa số các trường hợp vắng mặt tại trụ sở làm việc, trừ số người đang tham gia các lớp/khóa học tập trung, lãnh đạo xã đều không biết CBCC đi đâu, làm gì”.
Đối với người hoạt động không chuyên trách, số lượng người hoạt động được phép bố trí theo quy định là 678 người, thực tế bố trí 592 người, số có mặt tại thời điểm kiểm tra là 283 người (tỉ lệ có mặt chỉ 48%). Kết quả kiểm tra tại các xã cho thấy, việc quản lý người hoạt động không chuyên trách làm việc không đảm bảo thời gian, công việc không thường xuyên, liên tục; không phát huy hết năng lực làm việc.
Công tác quản lý CBCC và hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ của CBCC cũng còn nhiều hạn chế, lãnh đạo UBND xã không quản lý được thời gian làm việc của công chức chuyên môn; công chức làm việc không có chương trình, kế hoạch. Việc bố trí, sử dụng CBCC chưa thực sự hợp lý: thực tế công việc không nhiều nhưng bố trí người làm việc tương đối lớn.
Ngoài ra, một số UBND cấp xã chưa xây dựng quy chế làm việc nhiệm kỳ mới, còn sử dụng quy chế cũ để hoạt động dẫn đến chưa phân định trách nhiệm của tập thể UBND, trách nhiệm cụ thể của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND và các chức danh CBCC. Huyện Hoài Ân và Phù Cát là 2 địa phương có tỉ lệ các xã tồn tại nhiều thiếu sót trong quản lý CBCC và xây dựng các quy tắc ứng xử trong điều hành, tổ chức hoạt động tại cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chấn chỉnh
Từ những tồn tại nêu trên, Đoàn thanh tra công vụ Sở Nội vụ đã kiến nghị UBND các huyện chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tại các xã; chỉ đạo các xã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những trường hợp vi phạm giờ làm việc, thiếu các quy tắc nội bộ và quy tắc phối hợp hoạt động công vụ.
Từ báo cáo kết quả kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại UBND cấp xã của Sở Nội vụ, ngày 13.3.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ban hành văn bản số 1017/UBND-NC yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nội vụ kịp thời chỉ đạo các địa phương được kiểm tra nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những trường hợp vi phạm thời gian làm việc hành chính; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương xây dựng các nội quy, quy tắc, quy chế hoạt động theo quy định để làm cơ sở thực hiện.
Chủ tịch tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh để chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc xuống cấp trầm trọng
Cũng theo Ðoàn thanh tra, trụ sở làm việc của UBND xã nhiều nơi xuống cấp trầm trọng; xã không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị bố trí cho công chức làm việc còn thiếu thốn như xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn), Cát Lâm, Cát Hiệp (Phù Cát), An Hưng, An Trung (An Lão)... làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của đội ngũ CBCC. Việc tổ chức bộ phận “một cửa” ở nhiều nơi chưa đúng theo quy định tại Quyết định số 36/2015/QÐ-UBND về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cách thức giải quyết với công dân đa phần là trực tiếp, nhiều trường hợp không vào sổ theo dõi của bộ phận “một cửa”.
NGUYỄN NAM