Ðội bả trạo xã Nhơn Hải: Tươi sắc màu Lễ hội cầu ngư
Lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn là một trong những sự kiện văn hóa không những được cả cộng đồng làng biển nơi đây ghi nhớ, quan tâm mà còn thu hút sự chú ý của những làng cá lân cận và du khách.
Đội bả trạo xã Nhơn Hải biểu diễn phục vụ tại Lăng ông Nam Hải trong Lễ hội cầu ngư ở xã Nhơn Hải năm 2017.
Cùng với đội múa gươm hầu thần - nét riêng của Nhơn Hải, từ năm 2013, địa phương thành lập thêm đội bả trạo biểu diễn trong lễ hội. Dù tuổi đời còn rất trẻ so với các đội bả trạo những nơi khác như: Nhơn Lý (Quy Nhơn), Nhơn Ân, Bình Thái (Tuy Phước)… nhưng đội bả trạo xã Nhơn Hải đã có hơn 10 lần biểu diễn ở địa phương bạn, như: Trung Lương (Cát Tiến, Phù Cát), Hải Cảng (Quy Nhơn).
Đội bả trạo xã Nhơn Hải gồm 23 người, trong đó có 3 nhân vật chính: Tổng lái (thuyền trưởng), Tổng thương (người lo việc tát nước, kéo neo, theo dõi thời tiết trên thuyền), Tổng sanh (dẫn dắt lính chèo thuyền bằng nhịp gõ sanh), 2 bộ hổ (phó tướng, đội trưởng 2 đội chèo), 2 lồng đèn (phao tiêu) và 16 quân trạo (lính chèo thuyền).
Ông Trần Kim Thông, đội trưởng đội bả trạo xã Nhơn Hải, cho biết: “Mặc dù lực lượng diễn viên chủ yếu là anh em ở địa phương, người làm nghề biển, người làm công nhân… việc tập luyện hơi khó khăn vì nay thì có người này, mai lại vắng người kia, nhưng ai nấy cũng nhiệt tình cố gắng để phục vụ tốt trong lễ hội. Khó nhất là phải tìm người đóng các vai tổng lái, tổng thương, tổng sanh vì các vai này đòi hỏi phải biết hát bội và diễn xuất hát bội. Rất may mắn là chúng tôi đã tìm thấy và trình diễn rất khá!”.
Biên đạo múa Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH - TT TP Quy Nhơn- người khá am hiểu về hát bội, nghệ thuật bả trạo, cho biết: “Xem đội bả trạo xã Nhơn Hải biểu diễn nhiều lần, cá nhân tôi thấy đội đã đạt được các yếu tố vừa diễn xướng dân gian, vừa mang tính nghệ thuật sân khấu. Nếu không được lãnh đạo địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu tư; không tập luyện công phu, thì không thể đạt đến trình độ này!”.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Khi bàn bạc để tiến tới thành lập đội bả trạo ở địa phương, chúng tôi đặt ra hai mục tiêu chính. Một là góp phần bảo tồn văn hóa dân gian của cư dân miền biển Nhơn Hải. Hai là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) của Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhơn Hải đang phát triển mạnh dịch vụ du lịch, Đảng ủy - chính quyền địa phương muốn qua đây, giới thiệu và quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương!”.
Hát bả trạo hay còn gọi là chèo bả trạo, bá trạo, hò đưa linh, hò hầu linh - dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tựu trung đều là một loại hình nghệ thuật dân gian có tính nghi lễ của cư dân ven biển miền Trung, thường có trong các lễ hội cầu ngư. Khi trình diễn nghệ thuật này, người ta vừa hát vừa múa (bả = nắm chắc, trạo = mái chèo). Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm; mô tả cuộc mưu sinh giữa biển cả của ngư dân; ca ngợi sự giàu có, bao dung của biển; nhắc nhở và nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất của ngư dân; cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN