Tây Sơn: Chủ động các phương án phòng, chống cháy rừng
Huyện Tây Sơn đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng (BCH PCCCR), triển khai kế hoạch PCCCR năm 2017 theo phương châm “Phòng cháy là chính, chữa cháy phải khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, triệt để”.
Trạm Kiểm lâm Tây Phú xác định các khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Ảnh: HOÀNG CHI
Huyện Tây Sơn có tổng diện tích tự nhiên 69.296 ha, trong đó có 39.337 ha đất lâm nghiệp, chiếm 56,7% (diện tích đất có rừng 32.509 ha, gồm 21.980 ha rừng tự nhiên và 10.528,7ha rừng trồng); độ che phủ của rừng đạt 46,3%.
Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (KL), Phó BCH PCCCR huyện Tây Sơn, cho biết: Hạt KL huyện đã rà soát các vùng trọng điểm rừng trồng dễ xảy ra cháy rừng ở 8 xã trong huyện. Trong đó xã Bình Nghi có các tiểu khu (TK) 301, 308; Bình Tân có các TK 228, 241, 251 và 252a; Bình Thành có TK 261; Bình Thuận có TK 252b; Bình Tường có TK 283; Tây Giang có các TK 259, 250b, 260; Tây Thuận có các TK 249, 250a, 258; Tây Xuân có TK 307, 300.
Xác định nguyên nhân cháy rừng trên địa bàn chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán làm nguồn nước khô kiệt, vật liệu cháy dễ bắt lửa; đồng thời do sự thiếu ý thức của con người khi sử dụng lửa trong rừng để sản xuất hoặc sinh hoạt; các em nhỏ chăn thả gia súc dùng lửa chơi đùa gây cháy rừng, trên cơ sở đó, BCH PCCCR huyện và các xã cùng các chủ rừng xây dựng kế hoạch PCCCR ở cấp mình theo phương châm “4 tại chỗ”. Lực lượng chữa cháy cấp huyện được xác định gồm: KL, Cảnh sát PCCC số 5, CA huyện, dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn. Đối với cấp xã, KL địa bàn đã tham mưu chủ tịch UBND xã có rừng kiện toàn BCH các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã; thành lập các tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR.
Về phương tiện PCCCR, hiện nay huyện đang chuẩn bị sẵn sàng 1 xe chuyên dùng PCCCR, 2 máy định vị GPS, 1 máy đo mưa, 1 máy cắt thực bì, 5 máy thổi gió, trên 220 rựa, cuốc, can nhựa và một số phương tiện phụ trợ khác. Các xã đã mua sắm dụng cụ chữa cháy với tổng kinh phí trên 163 triệu đồng. Các chủ rừng cũng đầu tư mua sắm dụng cụ PCCCR, xây dựng các chòi canh lửa, đường băng cản lửa… phục vụ công tác chữa cháy rừng trồng của mình.
Ông Nguyễn Tự Trọng, một chủ rừng ở xã Tây Phú, cho biết: “Trước hết mình phải tự bảo vệ rừng của mình, bắt đầu vào mùa nắng thì phát ranh PCCCR dưới sự hướng dẫn của trạm KL để không bị cháy rừng lân cận. Mùa nắng phải túc trực 24/24 để có sự cố thì báo ngay cho KL địa bàn nhằm kịp thời xử lý”.
Hiện nay đã vào mùa nắng nóng, nguy cơ cháy rừng là rất cao, để phòng chống và hạn chế cháy rừng, ông Đỗ Văn Sĩ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, yêu cầu chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị quản lý rừng, các chủ rừng trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề cao cảnh giác, thực hiện các phương án canh trực, tuần tra bảo vệ rừng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; nâng cao nhận thức cho người dân không nên sử dụng lửa bừa bãi trong rừng, trước khi đốt thực bì cần phải báo cơ quan KL và chính quyền địa phương biết để có những hướng dẫn về biện pháp phòng cháy thích hợp.
HOÀNG CHI