Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp: Quy mô nhỏ, lợi ích lớn
Ngày 17.3, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (gọi tắt là DA LCASP - do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ vốn) năm 2016 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017. Thời gian qua, DA LCASP đã giúp người dân tỉnh ta phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
Tăng hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường
Theo Ban quản lý (BQL) DA LCASP tỉnh, trong năm 2016, DA đã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành Nông nghiệp và người dân vùng DA về tác hại và hệ lụy của ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi (CTCN), tổ chức các lớp tập huấn quy trình quản lý toàn diện CTCN cho các đối tượng tham gia DA; giới thiệu các giải pháp, công nghệ xử lý CTCN làm phân bón hữu cơ và thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Nhiều cuộc tọa đàm về các hoạt động của DA và lợi ích của DA mang lại cũng đã được triển khai, qua đó giúp BQL DA có thêm thông tin và những ý kiến, đề xuất của người dân trong việc xử lý CTCN ở khu vực nông thôn, trên cơ sở đó triển khai có trọng tâm trọng điểm giải pháp khắc phục. Điều đáng mừng là DA LCASP đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, nên việc triển khai thực hiện khá thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực.
BQL DA LCASP kiểm tra quy trình kỹ thuật hầm KSH đã được xây dựng tại một hộ gia đình ở huyện Hoài Nhơn. Ảnh: T.Sỹ
Huyện Hoài Nhơn là một trong những địa phương thực hiện tốt DA LCASP. Năm 2016, Hoài Nhơn đã xây dựng 604 công trình khí sinh học (CT KSH), nhiều nhất tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hóa - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn - cho biết: Giải quyết tốt ô nhiễm môi trường, trong đó có việc xử lý CTCN sẽ góp phần đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Do vậy, chính quyền các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm đến DA, số hộ đăng ký tham gia DA để được hỗ trợ xây dựng CT KSH luôn vượt nhiều so với kế hoạch. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của DA (mỗi CT KSH được DA hỗ trợ 3 triệu đồng), các hộ đã đầu tư thêm kinh phí để xây dựng. Từ năm 2014 đến năm 2016, toàn huyện đã xây dựng được 1.850 CT KSH. Phần lớn các CT KSH đưa vào hoạt động đều xử lý tốt chất thải, nước thải chăn nuôi thành chất đốt, nên môi trường sạch hơn; các hộ còn tiết kiệm được hàng trăm ngàn đồng tiền mua gas và các chất đốt khác mỗi tháng.
5 mô hình LCASP được xây dựng trong năm 2017 gồm: Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý CTCN làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô trang trại; quản lý toàn diện CTCN; sử dụng máy phát điện bằng KSH; sử dụng hệ thống máy tách phân di động xử lý CTCN làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ quy mô nhóm hộ; sử dụng nước xả CT KSH làm phân bón trồng cỏ chất lượng cao chế biến làm thức ăn chăn nuôi bò.
Các địa phương: Hoài Ân, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã An Nhơn cũng đã triển khai có hiệu quả các hoạt động của DA. Theo BQL DA LCASP tỉnh, năm 2016, DA đã hỗ trợ người dân xây dựng 2.493 CT KSH với tổng số tiền trên 7,4 tỉ đồng; tổ chức 63 lớp tập huấn quy trình vận hành CT KSH, quản lý CTCN an toàn. Nhờ vậy, hầu hết các CT KSH đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững. CT KSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình XDNTM.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Tại Hội nghị tổng kết DA, đại diện các địa phương đều cho rằng nhu cầu xây dựng CT KSH của người dân rất lớn, nhưng định mức hỗ trợ từ DA (3 triệu đồng/CT quy mô nhỏ; 10 triệu đồng/CT quy mô vừa và 20 triệu đồng/CT quy mô lớn) như hiện nay là quá thấp so với kinh phí xây dựng CT KSH, nên chưa thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là những chủ trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Để DA triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, BQL DA tỉnh cần đề xuất Trung ương nâng định mức hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân đầu tư xây dựng CT KSH. BQL DA cũng cần tác động các ngân hàng thương mại tham gia DA giải quyết vốn vay cho người dân với lãi suất ưu đãi để xây dựng CT KSH, góp phần giải quyết CTCN, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
Ông Đào Văn Hùng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc BQL DA LCASP tỉnh – cho biết: Năm 2017, BQL DA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về quản lý toàn diện CTCN; lựa chọn các hộ tham gia DA và tổ chức tập huấn phương pháp vận hành CT KSH, quản lý CTCN; hỗ trợ xây dựng thêm 1.575 CT KSH quy mô nhỏ. Chỉ đạo lực lượng kỹ thuật viên của DA thực hiện tốt công tác tư vấn hộ chăn nuôi lựa chọn công nghệ KSH phù hợp với địa hình, quy mô chăn nuôi; giám sát, nghiệm thu CT KSH đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của DA. Kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu về môi trường, chất lượng CT KSH đã xây dựng xong và đang vận hành.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, DA sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng CT KSH tại các địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh như: Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn và các xã phấn đấu hoàn thành XDNTM trong năm 2017. BQL DA LCASP của tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương nâng định mức hỗ trợ đầu tư và trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại tham gia DA về việc giải quyết vốn vay theo quy định của DA.
Ngoài nguồn kinh phí DA hỗ trợ, BQL DA cũng sẽ phối hợp với Văn phòng Điều phối XDNTM của tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi tại các xã XDNTM về đích năm 2017 có xây dựng CT KSH thêm 1 triệu đồng/CT; chỉ đạo huyện, xã tham gia DA hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/CT. BQL DA cũng sẽ triển khai 5 mô hình LCASP để chuyển giao cho nông dân. Mặt khác, lồng ghép các hoạt động của DA với các chương trình phát triển chăn nuôi của tỉnh, gắn với Chương trình XDNTM, đảm bảo quản lý toàn diện CTCN.
PHẠM TIẾN SỸ