Ðừng theo...“lối mòn”!
Ngày 18.3, Báo Thanh Niên đã tổ chức hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Quy Nhơn, thu hút hàng ngàn học sinh và phụ huynh đến tham dự. Cũng như các buổi tư vấn mùa thi đã diễn ra trước đó, hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc thi cử, chọn ngành, chọn trường, kể cả những băn khoăn, thắc mắc, tâm tư… đã được nêu ra.
Với sự chuẩn bị chu đáo và đội ngũ chuyên gia tư vấn hùng hậu đến từ các trường đại học, cao đẳng, các cố vấn về tâm lý, xã hội…, buổi tư vấn đã góp phần giải tỏa nhiều thắc mắc, băn khoăn của học sinh và phụ huynh về kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tâm lý mong muốn có được một sự lựa chọn hoàn hảo, để sau bậc học phổ thông sẽ dự tuyển hay ứng thí vào trường đại học để khi ra trường dễ tìm kiếm được việc làm, thu nhập cao…, vẫn là nỗi niềm canh cánh trước mỗi mùa tuyển sinh của cả học trò và các bậc cha mẹ.
Hiện nay, xã hội đang rộ lên câu chuyện khởi nghiệp của quốc gia và của mỗi người. Ðã có những người trẻ khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, thậm chí có những người còn khởi nghiệp bằng những dự án từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Như vậy, câu chuyện học ngành gì với mục tiêu duy nhất là khi ra trường sẽ có việc làm, có thu nhất có thể xem là một “lối mòn tư duy” hết sức cũ kỹ. Câu chuyện của ngày hôm nay, trong thời điểm này là những người trẻ cần chọn con đường học hành của mình thế nào để khởi nghiệp, không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn cho người khác, đồng thời có những đóng góp bằng các giá trị riêng của mình cho xã hội, cộng đồng. Ðây cũng là nội dung đã và đang được các chương trình tư vấn mùa thi khai mở, để những người trẻ có động lực nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của mình ngay trước thời điểm mang tính “bước ngoặt” cuộc đời.
Mùa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2017 đang đến gần. Câu chuyện hàng trăm ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp do không thể tìm được việc làm trong những năm qua, và hiện vẫn đang tiếp diễn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” là hệ quả tất yếu của mô hình đào tạo nhân lực không phù hợp với nhu cầu của xã hội, không gắn với thị trường lao động là sự cảnh báo đáng lưu ý để “nghĩ khác, làm khác” để tránh đi vào “vết xe đổ” này.
Sự phát triển của xã hội ngày càng đa dạng nên mỗi ngành nghề đều có cơ hội để người học, người làm có lập thân hay khởi nghiệp. Vấn đề là học cái gì và học thế nào để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu và xu thế phát triển của xã hội thì mới có cơ hội việc làm, khởi nghiệp. Vì thế, sẽ không có một lời giải chung về chọn nghề, chọn ngành, chọn trường… phù hợp cho tất cả mọi người. Trái lại mỗi người phải tự lựa chọn cho mình và nỗ lực với sự lựa chọn đó. Nhưng có một điểm chung cho mọi người, đó là dù học ngành nào cũng phải có nền tảng kiến thức vững vàng, sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ, có kỹ năng công nghệ thông tin, có khả năng thích ứng đa văn hóa..., để hòa nhập được với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.
Với việc lựa chọn cho mình một cánh cửa trường đại học, cao đẳng cũng có nghĩa là hàng triệu bạn trẻ đã chọn cho mình một “đích đến” trên con đường “lập thân, lập nghiệp”. Vấn đề đặt ra là mỗi người sẽ có được lựa chọn “đúng”, “trúng” và phù hợp nhất với nguyện vọng, sở trường và điều kiện của bản thân để làm giàu kiến thức, trí tuệ, kỹ năng của chính mình. Ðó là nguồn vốn quan trọng để mỗi người có thể vượt qua khó khăn, thách thức và gặt hái thành công trong tương lai.
HẢI ĐĂNG