Tác giả Vũ Thanh với bộ tiểu thuyết lịch sử “Nhất Thống Sơn Hà” vừa xuất bản:
Tôi muốn khơi dậy hào khí Quang Trung
Sau khi xuất bản phần 1 “Én Liệng Truông Mây” (4 tập, NXB Trẻ - ấn hành 12.2014) của bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn Tam Kiệt”, mới đây, tác giả Vũ Thanh - một cây bút không chuyên gốc Bình Ðịnh, hiện sống tại Florida (Mỹ), đã cho ra mắt phần 2 “Nhất Thống Sơn Hà” (4 tập, NXB Hội Nhà văn - ấn hành 2.2017). Nhân chuyến về Bình Ðịnh, trực tiếp giới thiệu sáng tác đầy tâm huyết của mình, tác giả Vũ Thanh đã dành cho phóng viên Báo Bình Ðịnh một cuộc trò chuyện thân tình…
Với “Én Liệng Truông Mây” và nay đến “Nhất Thống Sơn Hà”, tác giả đã giới thiệu đến bạn đọc 2 trong số 3 bộ của trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn Tam Kiệt” đang dày công thực hiện. Đó là chưa kể đến “Trường thi Hòn Vọng Phu” (NXB Trẻ - ấn hành 2012).
Tác giả Vũ Thanh chuẩn bị sách tặng cho độc giả quê nhà nhân chuyến về Bình Định ra mắt “Nhất Thống Sơn Hà”.
* Điều gì thôi thúc ông - một thầy giáo dạy Toán, một nhân viên bưu chính, suốt nhiều năm qua, dành thời gian rảnh rỗi và tâm sức để viết nên những sáng tác văn học có dung lượng lớn, xoay quanh đề tài dã sử và lịch sử của quê hương Việt Nam?
- Sự thôi thúc lớn nhất, mạnh mẽ nhất là tình yêu quê hương, tình yêu lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi muốn đóng góp vào văn học nước nhà một tác phẩm khắc họa nét đẹp bi tráng của các nam hùng nữ liệt Việt, mong sao thế hệ hôm nay cũng như mai sau dễ dàng tiếp cận, học hỏi và noi gương các bậc tiền nhân qua lối tiểu thuyết chương hồi. Tôi hy vọng, truyện của mình sẽ mang những thông điệp lịch sử đến với người đọc.
Buổi giao lưu giữa sinh viên Khoa Ngữ văn - Ðại học Quy Nhơn với tác giả trường thiên tiểu thuyết “Tây Sơn Tam Kiệt” (do tác giả Vũ Thanh và Khoa Ngữ văn - Ðại học Quy Nhơn phối hợp tổ chức) sẽ diễn ra 18 giờ 45 phút, ngày 20.3 tại Hội trường B - Ðại học Quy Nhơn.
Bộ 2 - “Nhất Thống Sơn Hà” khắc họa toàn diện về phong trào cách mạng Tây Sơn từ lúc manh nha, tụ nghĩa, vang dội những chiến công rồi suy tàn. Qua tác phẩm, Vũ Thanh chia sẻ, ông không nhằm viết lại lịch sử mà dùng tư liệu lịch sử để lý giải nguyên nhân đưa đến thắng lợi trong quá trình mở cõi của dân tộc, cùng thành quả to lớn trong thời gian cai trị ngắn ngủi của Nhà Tây Sơn.
* Với “Nhất Thống Sơn Hà” nói riêng, trọn bộ “Tây Sơn Tam Kiệt” nói chung, ông muốn nói gì với bạn đọc, người dân Việt Nam?
- “Tinh thần Quang Trung”, “Hào khí Quang Trung”, thực ra không chỉ có ở một giai đoạn lịch sử ngắn của Nhà Tây Sơn.Nó luôn tiềm ẩn trong tâm hồn người Việt. Tiểu thuyết “Tây Sơn Tam Kiệt” chỉ là một sự nhắc nhớ. Viết bộ tiểu thuyết này, tôi mong người đọc thêm một lần lần lại lịch sử thời Tây Sơn, để khơi dậy hào khí Quang Trung, để tự hào hãnh diện, để đoàn kết lại, đoàn kết hơn, để yêu nước hơn và cống hiến hơn cho đất nước.
Trong “Nhất Thống Sơn Hà”, bên cạnh xây dựng những nhân vật lịch sử, tác giả còn sáng tạo thêm nhiều nhân vật thanh niên ưu tú, vừa sáng ngời tinh thần yêu nước thương dân, trượng nghĩa, trung can vừa bao dung, hiền lương. Sự có mặt của hai kiểu nhân vật có thật và tưởng tượng này, trong mối quan hệ là bằng hữu, quân - thần của nhau (Nguyễn Huệ - Quang Trung và bạn bè), bổ trợ nhau làm nên phong trào Tây Sơn đại nghĩa, thắng lợi, khiến cho bạn đọc cảm nhận trong tác phẩm không chỉ có một anh hùng - giai nhân là Nguyễn Huệ - Ngọc Hân mà còn nhiều đôi anh hùng - giai nhân khác; tạo cảm giác về một Việt Nam có rất nhiều nhân tài trẻ…
* Ông muốn nhắn nhủ gì đến bạn đọc, nhất là bạn đọc thanh niên Việt Nam khi dày công xây dựng kiểu nhân vật hiệp sĩ như vậy?
- “Vật dĩ loại tụ” - chung quanh vị lãnh tụ kiệt xuất như Nguyễn Huệ tất phải là những trang nam hùng, nữ liệt mà tiêu chí sống và hành vi của họ đã hình thành một mẫu hiệp sĩ. Tín nghĩa, ung dung, bác ái và nhân bản. Mẫu hiệp sĩ này chính là yếu tố góp phần đảm bảo sự trường tồn của dân tộc ta. Việc xây dựng những con người theo hình mẫu hiệp sĩ Việt không ngoài mục đích khuyến khích giới trẻ Việt Nam luôn luôn tự khẳng định tính chất Việt, văn hóa Việt trong con người của mình trước sự du nhập rộng rãi và ồ ạt của nhiều nền văn hóa khác.
* Cảm xúc của ông khi trực tiếp đưa sách về giới thiệu ở Việt Nam, đã ra mắt ở TP.Hồ Chí Minh và đặc biệt ngày 20.3 tới sẽ có buổi giao lưu với sinh viên Đại học Quy Nhơn và độc giả tại Bình Định?
- Đưa sách về giới thiệu ở Việt Nam, đặc biệt ở Bình Định là tâm nguyện của tôi trong suốt những năm dài miệt mài thực hiện tác phẩm. Mặc dù việc bỏ thời gian liên tục nhiều năm để viết, rồi in, về nước giới thiệu… tốn kém nhiều, nhưng nguồn vui sống lớn nhất của tôi chính là hoàn thành trọn bộ tiểu thuyết này. Tôi có đề ở trang bìa trong mỗi cuốn, sách này viết ra, kính dâng: hồn thiêng sông núi Việt Nam và viết cho: thế hệ trẻ Việt Nam. Vậy nên, việc đưa sách về nước, về quê giới thiệu rất có ý nghĩa.
SAO LY (Thực hiện)