Cấp GCN QSDÐ theo Nghị định 01/2017/NÐ-CP: Nhiều nội dung mới, thuận lợi cho người dân
Thời gian qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDÐ) vẫn còn không ít tồn tại, vướng mắc. Nghị định (NÐ) số 01/2017/NÐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục về GCN QSDÐ. PV báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Hiến, Phó giám đốc Sở TN-MT, kiêm Giám đốc Văn phòng Ðăng ký đất đai (ÐKÐÐ) tỉnh, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết tình hình cấp GCN QSDĐ trên địa bàn tỉnh?
- Có thể nói là gặp nhiều khó khăn, song Văn phòng ĐKĐĐ và các chi nhánh đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, năm 2016, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh đã tiếp nhận 109.175 hồ sơ, trong đó có 2.639 hồ sơ của tổ chức và 106.536 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân. Văn phòng đã giải quyết 108.468 hồ sơ, trong đó có 2.605 hồ sơ của tổ chức và 105.863 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân.
Nếu như năm 2015, các Văn phòng Đăng ký QSDĐ cấp huyện và tỉnh tiếp nhận 88.345 hồ sơ, giải quyết được 81.811 hồ sơ và tồn đọng tới 5.708 hồ sơ, thì năm 2016 số hồ sơ mà Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tiếp nhận lên đến 109.175 hồ sơ và giải quyết tới 108.468 hồ sơ. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã cấp được 6.654 GCN QSDĐ, trong đó Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh cấp 557 GCN và các huyện, thị xã, thành phố cấp 6.097 GCN.
Tuy nhiên, công tác cấp GCN QSDĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là những bất cập của các văn bản pháp quy, trong đó có NĐ số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; NĐ số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và NĐ số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Đó là những khó khăn khi giải quyết cấp GCN đối với các trường hợp như: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất (SDĐ) có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1.7.2014, đang SDĐ ổn định; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ; trường hợp đã chuyển QSDĐ nhưng chưa sang tên.
Người dân giao dịch tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HÂN
* Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn trên?
- Chính phủ vừa ban hành NĐ số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 43/2014/NĐ-CP, NĐ số 44/2014/NĐ-CP, NĐ số 47/2014/NĐ-CP… Theo đó, NĐ 01 có nhiều nội dung mới nhằm tháo gỡ khó khăn trong cấp GCN QSDĐ, trong đó có quy định bổ sung một số loại giấy tờ về QSDĐ để làm cơ sở xem xét công nhận QSDĐ; quy định giao UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất để cho phép Sở TN-MT được ủy quyền cho Văn phòng ĐKĐĐ cấp GCN trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại GCN.
Cụ thể, NĐ 01 cho phép việc cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất mở rộng thêm 5 trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân SDĐ có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1.7.2014, đang SDĐ ổn định; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích SDĐ khác nhau; trường hợp đã chuyển QSDĐ nhưng chưa sang tên.
* Ông có thể cho biết cụ thể một số trường hợp được cho phép cấp GCN QSDĐ theo NĐ 01?
- Các hộ gia đình, cá nhân SDĐ có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1.7.2014, đang SDĐ ổn định trong các trường hợp sau thì vẫn được cấp GCN QSDĐ. Đó là các trường hợp: SDĐ lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng mà nay đất đó không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, cũng không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông, không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác; đang SDĐ lấn, chiếm thuộc quy hoạch bị UBND cấp tỉnh thu hồi, nhưng được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán, hoặc đã lấn, chiếm và nay đang dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích SDĐ thuộc trường hợp phải xin phép mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng đã có nhà ở và sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch.
Trường hợp diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ, Văn phòng ĐKĐĐ có trách nhiệm phải xác nhận vào đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm, và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp GCN, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao GCN cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.
* Sở TN-MT sẽ triển khai NĐ số 01 như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, NĐ 01 mang đậm tính ưu việt, góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục về GCN QSDĐ.Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả NĐ 01 là vấn đề không hề đơn giản. Chính vì vậy, ngay sau khi NĐ 01 có hiệu lực thi hành (ngày 3.3.2017), Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh đã tổ chức triển khai phổ biến toàn bộ nội dung của NĐ đến các chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ trên địa bàn tỉnh.
Được biết, Bộ TN-MT cũng đã chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 01. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT sẽ phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức tập huấn sâu rộng NĐ 01 và các văn bản hướng dẫn đến tất cả cán bộ, công chức của Phòng TN-MT, UBND cấp xã, Văn phòng ĐKĐĐ và các chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ để NĐ 01 sớm đi vào thực tế cuộc sống.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)