Từ câu chuyện tủ quần áo miễn phí...
Ngày 20.3, bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết bệnh viện vừa khai trương tủ quần áo miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo đặt tại tầng 1 Khu Khám bệnh đa khoa (ngay góc cầu thang) của bệnh viện.
Tủ quần áo miễn phí dành cho bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa.
Bác sĩ Tuấn Anh nói: “Trong quá trình tiếp xúc với các bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy có một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là bệnh nhân ở vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, Ban giám đốc động viên cán bộ, nhân viên trong bệnh viện, ai có quần áo cũ còn lành lặn nhưng không dùng nữa thì mang đến cho bệnh nhân nghèo. Tủ quần áo có các ngăn riêng biệt để đồ nam, đồ nữ, đồ trẻ em. Do tủ quần áo vừa mới được khai trương nên còn ít người biết đến. Sắp tới chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi đến các bệnh nhân để người có nhu cầu đến lấy về dùng”.
Vậy là, lại thêm một hành động đẹp nữa hướng đến người nghèo, mà cụ thể hơn là những bệnh nhân nghèo. Hy vọng, những tủ quần áo kiểu này được đặt ở nơi có rất nhiều người cần đến nó, như BVĐK tỉnh chẳng hạn.
Tuy nhiên, nhân đây tôi cũng muốn nói đôi điều về cách thức tiếp nhận quần áo của người trực tiếp thụ hưởng. Trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, một câu lạc bộ thiện nguyện ở TP Quy Nhơn đặt ở tủ quần áo cũ dành cho người nghèo ngay bên cạnh trụ sở UBND phường Lý Thường Kiệt, Quy Nhơn. Qua mấy ngày quan sát, tôi thấy gợn lên một chút buồn. Ấy là một số người đi lấy đồ đã lục tung mọi thứ ở trên tủ xuống, chất thành một đồng dưới vỉa hè rồi xốc lên lục, lựa mà không hề để ý đến dòng tủ dán trên cánh tủ: “Lấy xong xin để lại gọn gàng”. Tôi hỏi một người thanh niên đang lựa đồ, thì được trả lời: “Xếp lại làm chi, sẽ có người khác đến thử nữa mà. Vả lại, sẽ có những người khác đến dọn mà”- sau đó tôi không thấy xuất hiện tủ quần áo nữa. Tôi nhớ có lần hai bạn trẻ phụ trách tủ quần áo từ thiện này nói với người đến lấy quần áo cũ, nếu cứ vứt xuống dưới vỉa hè lộn xộn như thế này thì cơ quan không cho để tủ nhờ nữa, mà câu lạc bộ cũng có thể không làm nếu như nó không phát huy hiệu quả hay chệch với tôn chỉ ban đầu.
Còn mới hôm rồi, tôi trở lại hẻm Phạm Ngọc Thạch (Quy Nhơn), nơi có quầy hàng miễn phí “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”. Người chủ nhà cho biết, đôi lúc ông cũng cảm thấy phiền lòng trước việc một số người thử đồ không vừa ý đã vứt “nguyên con” vào khay đồ, thay vì gấp xếp lại cho tử tế. Thậm chí, khi bị nhắc nhở, có người còn thanh minh: “Gấp lắm không có thời gian”.
Của cho không bằng cách cho, nhưng theo tôi, trong trường hợp cụ thể này, cách nhận còn quan trọng hơn nữa. Bởi là quần áo cũ, có mặc vừa thì mới mang về nhà, chỉ mong rằng sau khi lựa, thử quần áo xong, nếu không vừa ý, cũng nên gấp xếp lại tử tế, để cho người khác đến sau lấy. Và đó cũng là một cách trả ơn lịch sự đối với người đã bỏ ra công sức, thời gian để tạo ra và duy trì những tủ quần áo từ thiện như vậy.
HOÀNG LAN