Sự bế tắc đáng buồn của G20
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có nguy cơ trỗi dậy, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa kết thúc tại thành phố Baden-Baden (Đức) với trọng tâm thảo luận những biện pháp có thể giúp tháo ngòi nổ cho cuộc chiến này.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 vừa kết thúc tại thành phố Baden - Baden (Đức).
Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương theo đuổi chính sách "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" và phản đối nội dung về biến đổi khí hậu trong dự thảo tuyên bố chung đã khiến hội nghị không thể đi tới một quyết định cụ thể.
Trước đó, Hội nghị G20 lần này được hy vọng có thể sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng về thương mại tự do. Nhưng sau hai ngày bàn thảo, những gì đạt được chỉ là sự đồng thuận về việc cần thiết mở cửa thương mại mà không đưa ra được quyết định rõ ràng về chống chủ nghĩa bảo hộ. Bằng việc chỉ nhắc chiếu lệ đến thương mại trong bản tuyên bố chung, các quan chức G20 đã phá vỡ truyền thống kéo dài một thập kỷ qua của nhóm về ủng hộ thương mại mở. Đây được coi là một thất bại rõ ràng đối với chủ nhà Đức - nước vốn đã nỗ lực để duy trì các cam kết trước đây của G20.
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 tháng, chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump đã không ít lần tuyên bố muốn thiết lập những luật lệ thương mại quốc tế "công bằng hơn" và làm dấy lên lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống D.Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính phủ tiền nhiệm đặt kỳ vọng và đề xuất áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu. Ngay trước thềm cuộc họp G20, Washington đã tuyên bố thẳng thừng bác bỏ bất kỳ tuyên bố chung nào lên án chủ nghĩa bảo hộ, cho dù truyền thống của G20 là khẳng định tự do thương mại và từ chối mọi hành động mang tính bảo hộ.
Tuy nhiên, bất chấp tình thế 1 chống 19, Mỹ tỏ ra kiên quyết không lùi bước trong các vấn đề chủ chốt và tìm cách phá vỡ nhiều thỏa thuận từng ký kết. Đây là một cú sốc đối với đại diện nhiều quốc gia tham dự hội nghị gồm Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu, vốn theo đuổi chính sách mở cửa thương mại trong thời gian dài. Trả lời họp báo sau cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo tài chính các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định, Mỹ vẫn giữ cam kết về thương mại tự do song cũng muốn xem xét và hiệu chỉnh lại một số thỏa thuận trong lĩnh vực này.
Không chỉ bất đồng về chính sách thương mại mở, Mỹ và Saudi Arabia còn phản đối việc thay đổi chi phí cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong Thỏa thuận Paris. Hôm 16.3 vừa qua, chính quyền Tổng thống D.Trump đã đề xuất mức cắt giảm 31% đối với ngân sách của cơ quan Bảo vệ môi trường nước này, một động thái nằm trong kế hoạch chấm dứt các chương trình thay đổi khí hậu và thu hẹp các sáng kiến bảo vệ chất lượng không khí và nước.
Trước sự phản đối từ Washington và Riyadh, các nhà lãnh đạo tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã quyết định “bỏ qua” cam kết hỗ trợ ngân sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong tuyên bố chung. Đối với Mỹ, đây là một kết quả được mong đợi sau khi Tổng thống D.Trump gọi hiện tượng trái đất nóng lên là “một trò lừa đảo” do Trung Quốc đưa ra nhằm phá hoại nền công nghiệp Mỹ và cho biết sẽ chấm dứt Thỏa thuận Paris về cắt giảm khí thải công nghiệp.
Đối với nhiều người, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 lần này không đạt được kết quả như mong muốn. Dẫu vậy, bầu không khí hội nghị khá thân thiện hy vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thỏa thuận trong tương lai. Những vấn đề về triển vọng của thương mại quốc tế vốn chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu có thể sẽ một lần nữa được đưa ra bàn thảo lại tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 7 tới ở Hamburg (Đức).
Theo Thùy Dương (HNM)