Mỹ và châu Âu đang dần xa nhau
Đây là nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag của Đức số ra ngày 19.3. Ông Juncker nhấn mạnh: “Đã xuất hiện một sự xa cách khi Tổng thống Mỹ hoan nghênh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và khẳng định các nước khác cần phải theo gương Anh, đó là một việc chưa từng xảy ra”.
Đức cảnh báo sẽ kiện nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Ảnh: Bên trong một showroom của hãng Mercedes-Benz tại Mỹ
Nguy cơ cuộc chiến thương mại
Ông Juncker cũng chỉ trích việc Mỹ đang cố muốn thay đổi chính sách kinh tế. Ông khẳng định một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho cả Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu cần phải quan tâm tới thái độ bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump và chuẩn bị sẵn sàng đối phó.
Trước đó, ông Volker Kauder, lãnh đạo phái nghị sĩ liên minh đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo và Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo tại Quốc hội Đức, một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo một cuộc chiến thương mại với Mỹ nếu Washington đánh thuế đối với các hàng hóa từ EU. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cũng tuyên bố nước này có thể kiện Mỹ ra tòa nếu Washington thực sự theo đuổi chính sách tăng thuế nhập khẩu. Bà Zypries cho rằng, để ngăn ngừa một cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho cả hai bên, có hai con đường hoặc là thỏa thuận hoặc là đưa vấn đề ra tòa.
Hiện Tổng thống Trump đang xem xét một đề xuất của giới chức đảng Cộng hòa tại Hạ viện về việc áp đặt mức thuế 20% đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu, trong khi miễn thuế cho hàng hóa xuất khẩu. Với kế hoạch này, chính quyền Washington hy vọng sẽ tăng doanh thu thuế, tăng sản lượng trong nước, kích thích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định mức thuế điều chỉnh biên giới như trên sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu, gây tác động bất lợi cho các nước xuất khẩu sang Mỹ. Trước đó, trong cuộc vận động tranh cử của mình, ông Trump nhiều lần tuyên bố cần đánh thuế bổ sung đối với các hàng hóa nhập khẩu.
Nhiều bất đồng
Khoảng cách của Mỹ và EU còn thấy rõ qua những bất đồng rõ rệt về hồ sơ thương mại và nhập cư tại cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel - người được xem là đại diện cho ý chí của châu Âu - ở Washington. Mỗi bên bám giữ lập trường của mình. Trong khi bà Merkel ủng hộ toàn cầu hóa, ông Trump lại bảo vệ chủ trương biệt lập, phàn nàn rằng Mỹ bị thua thiệt nhiều nhất trong các thỏa thuận quốc tế. Trước đó, Nhà Trắng từng khẳng định Washington muốn thiếp lập quan hệ giữa nhà nước với nhà nước và Mỹ không quan tâm đến các thỏa thuận thương mại đa phương, ví dụ như với EU. Điều đó có nghĩa thỏa thuận tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU, vốn được thảo luận rất cam go từ năm 2013, có nguy cơ không thể về đích.
Về vấn đề người nhập cư, ông Trump nhắc lại an ninh của công dân là trước hết, còn bà Angela Merkel thì nhấn mạnh khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng tị nạn. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức còn bất đồng trong cả vấn đề chi tiêu quốc phòng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong suốt buổi họp báo chung, ông Trump đã chỉ trích NATO là lỗi thời và làm Mỹ và các đồng minh trong liên minh quân sự này phải đóng góp nhiều khoản tiền lớn từ nhiều năm qua. Đầu tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng từng bày tỏ hoài nghi về kế hoạch chi 2% GDP cho quốc phòng của các thành viên NATO đến năm 2024, với việc cho rằng mục tiêu trên không thực tế đối với Đức khi quốc gia này sẽ phải chi tiêu 60 tỷ EUR cho quân đội.
Theo giới quan sát, gần như không tìm thấy điểm tương đồng nào giữa hai lãnh đạo Đức và Mỹ. Chuyến đi với mục đích kéo Mỹ và châu Âu lại gần nhau có thể xem đã bị phá sản. Tuy nhiên, theo ông Jean-Claude Juncker, là các đối tác quan trọng của nhau, hai bên cần phải tăng cường đối thoại trong thời gian tới để dần thu hẹp các bất đồng.
Theo SGGP