Nga, Nhật đàm phán an ninh và tranh chấp lãnh thổ
Hôm nay (20.3), hội đàm 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và Nga đã được tổ chức tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản nhằm thảo luận về các vấn đề song phương và khu vực. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Nhật đang ấm dần lên.
Cuộc hội đàm 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nhật Bản và Nga tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng có cuộc gặp riêng. Cả bốn bộ trưởng sau đó có cuộc đàm phán chung bàn về các vấn đề song phương và quốc tế.
Tại cuộc hội đàm kéo dài một ngày này, hai bên đã tập trung bàn về các vấn đề song phương và an ninh khu vực, đặc biệt bàn về biện pháp tốt nhất để đối phó với các vụ phóng tên lửa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Kishida, Ngoại trưởng Nga Lavrov bày tỏ hy vọng thông qua cơ chế hội đàm 2+2 này hai nước có thể tìm được tiếng nói chung trong một loạt vấn đề quan trọng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kishida cho biết, ông mong muốn thảo luận với người đồng cấp Lavrov về các vấn đề song phương, đặc biệt về kế hoạch chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe (dự kiến vào cuối năm nay).
Cả hai bên đều hy vọng rằng các cuộc thảo luận về hợp tác phát triển chung trên chuỗi đảo mà họ đang tuyên bố chủ quyền có thể giúp Tokyo và Moscow xích lại gần nhau hơn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài - nguyên nhân cản trở hai nước ký kết một hiệp định hòa bình.
Ngoại trưởng Nhật Kishida nói rằng, ông muốn thúc đẩy nhanh sự hợp tác giữa hai nước để nhanh chóng hướng tới việc đạt được một hiệp định hòa bình, đặc biệt tạo bước tiến triển trong các dự án hợp tác phát triển chung.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nhất trí với ý kiến trên và nói rằng ông tin tưởng sự hợp tác phát triển chung sẽ trở thành một bước đệm quan trọng tạo ra một môi trường hợp lý để hai nước ký kết một hiệp ước hòa bình.
Cũng trong khuôn khổ hội đàm 2+2, tờ Kyodo của Nhật Bản cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Inada và người đồng cấp Nga Shoigu đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác song phương nhằm giải quyết những thách thức an ninh khu vực.
Nhiều chủ đề nhạy cảm cũng được đưa ra bàn thảo tại cuộc gặp, trong đó Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Inada bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga tại quần đảo tranh chấp ngoài khơi Hokkaido, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu chỉ trích việc Nhật Bản triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có khả năng thay đổi cán cân an ninh khu vực.
Ông Inada giải thích rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Tokyo chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, chứ không tạo ra mối đe dọa nào đối với Nga cũng như các nước láng giềng khác.
Trong một thông báo trước cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các đại diện của họ sẽ đưa ra thảo luận kế hoạch của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - động thái khiến Nga và Trung Quốc kịch liệt phản đối.
Những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố và buôn lậu ma túy cũng được đề cập tới.
Hội đàm 2+2 giữa Nga và Nhật Bản được tổ chức lần gần đây nhất là vào tháng 11.2013. Các cuộc hội đàm theo cơ chế này giữa hai nước sau đó đã bị cắt đứt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crime và Nhật Bản tham gia cùng các nước ban hành các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới động thái nói trên.
Đàm phán 2+2 lần này không được kỳ vọng có thể tạo đột phá về cuộc xung đột giữa hai nước trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại các hòn đảo Etorofu, Kunashiri, Shikotan và Habomai thuộc quần đảo Kuril (theo cách gọi của người Nga) và Vùng lãnh thổ phương Bắc (theo cách gọi của người Nhật).
Tuy nhiên, hai nước hy vọng có thể đạt được thỏa thuận về hợp tác phát triển chung trong lĩnh vực thủy sản, du lịch và các lĩnh vực khác, giúp tạo ra cầu nối để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
Hồng Hà (Theo AFP, Kyodo, Sputnik)