Không giao dự án đầu tư mới cho các địa phương, đơn vị nợ quyết toán
Sở Tài chính tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xử lý không giao dự án (DA) đầu tư mới đối với các chủ đầu tư trước tình trạng nợ quyết toán nhiều DA sử dụng vốn nhà nước đã hoàn thành.
Công trình xây dựng hội trường và thiết bị xử lý nước thải của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn là 1 trong 6 DA Sở LĐ-TB&XH chưa lập báo cáo quyết toán để trình cấp quyết định phê duyệt. Ảnh: TÙNG ĐỆ
Ngày 27.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các DA sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành. Tháng 3.2015 - thời điểm cả nước “nóng” với tình trạng nợ quyết toán DA, Bình Định nằm trong tốp dẫn đầu với 1.662 DA chưa phê duyệt quyết toán từ năm 2005 - 2014. Ngay lập tức, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm số công trình tồn đọng.
Nơi quyết liệt, nơi nợ dai dẳng
Đến năm 2016, liên tục nhiều văn bản từ Trung ương đến tỉnh chỉ đạo, đôn đốc giải quyết tình trạng nợ DA quyết toán. Tháng 5.2016, Tổ công tác liên ngành của tỉnh vào cuộc kiểm tra 9 huyện, thị xã, thành phố và 7 xã trên địa bàn tỉnh có số nợ lớn. Chốt đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã giải nợ quyết toán cho 1.201 DA. Trong đó, có 18 DA thuộc cấp tỉnh phê duyệt; DA cấp huyện, thị xã, thành phố là 413; và DA thuộc cấp xã, phường, thị trấn quyết định đầu tư, phê duyệt là 770.
Sở Tài chính cho biết, so với năm 2015, công tác quyết toán DA hoàn thành được chú trọng và quan tâm hơn, nhiều địa phương đã quyết liệt xử lý dứt điểm nợ đọng. Đến nay, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh đã tất toán 100% công trình tồn đọng gần cả chục năm qua.
Vấn đề còn lại nằm ở 421 DA vẫn chưa được quyết toán, bao gồm: 3 DA thuộc cấp tỉnh phê duyệt quyết toán, với tổng số tiền đã thanh toán hơn 61 tỉ đồng; 171 DA cấp huyện, hơn 80 tỉ đồng; và 247 DA cấp xã đã thanh toán hơn 54 tỉ đồng. “Riêng Sở LĐ-TB&XH còn tồn đọng 6 DA ngoài danh mục báo cáo 1 năm thực hiện Chỉ thị 27, với gần 126 tỉ đồng. Số còn lại rơi vào các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, tx An Nhơn và TP Quy Nhơn” - bà Lê Thu Hương, Trưởng phòng Tài chính Đầu tư (Sở Tài chính), cho biết.
Theo tìm hiểu, trong 6 DA nợ của Sở LĐ-TB&XH đến thời điểm này, “đội sổ” về thời gian nợ là công trình xây dựng hội trường và thiết bị xử lý nước thải của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (54 tháng), dù kinh phí đầu tư chỉ trên 3,6 tỉ đồng. Các hạng mục nợ còn lại thuộc về: Trung tâm Giáo dục lao động - xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định, Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn.
Trong khi đó, 3 địa phương có số DA nợ quyết toán lớn đến nay là: Phù Cát (tồn đọng 85 DA cấp huyện và 51 DA cấp xã); Tây Sơn (tồn 40 DA cấp huyện và 136 DA cấp xã); An Nhơn (tồn 12 DA cấp huyện và 56 DA cấp xã); Quy Nhơn (tồn 29 DA cấp xã).
Bao giờ mới “dứt nợ ” ở 421 dự án tồn đọng?
Trên thực tế, chậm quyết toán công trình, DA xây dựng sử dụng vốn nhà nước gây ảnh hưởng đến quản lý vốn đầu tư, nợ đọng kéo dài, không tất toán được tài khoản của DA. Đồng thời, cũng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, với nhiều hệ lụy.
Vấn đề đặt ra lúc này là 421 DA chưa quyết toán còn nợ đọng đến lúc nào sẽ giải quyết dứt điểm, khi Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã kéo dài 2 năm? Cũng cần nhắc lại rằng, tại thời điểm năm 2015, khi phân tích tình trạng nợ triền miên, dai dẳng DA vốn nhà nước đã đưa vào sử dụng mà không chịu quyết toán, cơ quan chức năng đã chỉ ra nguyên nhân có từ phía chủ đầu tư, nhà thầu và những vấn đề khác. Nhiều “hướng mở” đã được đưa ra theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để tạo điều kiện cho các DA thất lạc hồ sơ quyết toán. Trên cơ sở đó, biện pháp mạnh tay là không giao DA mới cho các chủ đầu tư DA nợ đọng quyết toán.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho rằng: “DA hoàn thành còn tồn đọng chưa quyết toán do nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ đầu tư của DA. Đồng thời, trong thời gian qua, mới chỉ áp dụng các biện pháp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, mà chưa thật sự quyết liệt và có chế tài để xử lý!”.
Mới đây, trong báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2015 tại tỉnh Bình Định, Kiểm toán Nhà nước Khu vực III cũng đã đặt vấn đề tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý một số chủ đầu tư, ban quản lý DA chưa chấp hành nghiêm túc việc xử lý dứt điểm hồ sơ tồn đọng.
Đầu tháng 3.2017 này, Sở Tài chính lại tiếp tục đề xuất UBND tỉnh xem xét đánh giá và xét thi đua khen thưởng đối với các huyện đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành, hoàn thành 100% công trình tồn đọng theo Chỉ thị 27. Đồng thời, xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương còn tồn đọng nhiều công trình hoàn thành chưa được quyết toán từ năm 2005 - 2014.
“Đặc biệt, không giao DA đầu tư mới cho các địa phương, đơn vị có số lượng công trình còn tồn đọng lớn và kéo dài chưa được phê duyệt quyết toán. Đối với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính tiếp tục đôn đốc khẩn trương hoàn tất 6 hồ sơ công trình còn tồn đọng; sau ngày 30.6.2017, nếu đơn vị không nộp hồ sơ quyết toán, sẽ báo cáo đề xuất xử lý trách nhiệm theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 1058/UBND - TH ngày 28.3.2016 của UBND tỉnh”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho hay.
Thêm vào đó, Kho bạc Nhà nước cần lập danh sách và thông báo công khai danh mục công trình, DA đã hoàn thành chưa được tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Sở KH-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm các DA đã được phê duyệt quyết toán.
THU HIỀN