Gặp các học sinh đoạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia:
Thành quả bước đầu của niềm say mê khoa học
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Nam có 217 dự án của 372 học sinh thuộc 21 lĩnh vực ở 32 tỉnh, thành và 2 trường THPT thuộc các trường đại học tham gia. Ðoàn Bình Ðịnh tham dự cuộc thi với 6 dự án và cả 6 dự án đều đoạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Ðiểm đáng chú ý là cả 2 giải Nhất đều được đánh giá rất cao trên nhiều phương diện.
Các học sinh Nguyễn Thị Bình, Phan Nam Bảo Ngân (bìa trái) và Nguyễn Thành Vinh (thứ ba, phải sang) nhận giải tại cuộc thi.
Các học sinh có dự án đoạt giải Nhất là Phan Nam Bảo Ngân (học sinh lớp 12 chuyên Hóa), Nguyễn Thị Bình (học sinh lớp 12 chuyên Sinh) và Nguyễn Thành Vinh (học sinh lớp 11 chuyên Hóa) - đều là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 khu vực phía Nam, Ngân và Bình tham gia dự án Nghiên cứu các chỉ số hóa sinh lipid và apolipoprotein-B huyết thanh ở bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát tại Bình Định, còn Vinh thực hiện dự án Nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng của vật liệu Composit SnO2/Oxit Graphit để làm điện cực Anot cho pin sạc Liti. Cả hai dự án đã đạt giải Nhất ở vòng thi lĩnh vực (Y sinh - sức khỏe và Hóa học) và giải Nhì vòng thi toàn cuộc.
Từ ý tưởng đến hiện thực
Từ tháng 1.2016, Phan Nam Bảo Ngân và Nguyễn Thị Bình cùng tìm kiếm một phương tiện chẩn đoán sớm bệnh tăng huyết áp có rối loạn lipid máu sau thời gian ở bệnh viện chăm sóc người thân và gặp nhiều ca bệnh nặng do các biến chứng, di chứng nặng nề do bệnh này gây ra.
“Chúng tôi nghiên cứu chỉ số apolipoprotein-B trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát để dùng chỉ số ấy làm xét nghiệm chẩn đoán sớm bệnh tăng huyết áp có rối loạn lipid máu. Điểm mới của dự án là tính ứng dụng của chỉ số apolipoprotein-B trên bệnh nhân tăng huyết áp nguyên phát, vốn dĩ là khía cạnh chưa được khai thác trước đây”, hai cô bạn thân trao đổi.
Trong khi đó, từ lâu nay, Vinh lại luôn băn khoăn khi các thiết bị điện tử hiện nay như điện thoại di động, smartphone, laptop... đều dùng pin sạc, đặc biệt là pin sạc Liti. Sau một thời gian sử dụng, pin dễ bị “chai” và rất nhanh hết điện.
“Chúng tôi đã tìm hiểu thông tin về pin Liti, cấu tạo cũng như quy trình hoạt động của nó, và rất hứng thú với “cách hoạt động” của điện cực anot. Tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề chính là tìm được loại vật liệu làm anot có thể làm tăng khả năng lưu trữ, bền bỉ. Từ những nghiên cứu thực tiễn của mình, tôi đã quyết định chọn vật liệu composit SnO2/oxit graphit để làm điện cực anot cho pin sạc Liti”, Vinh cho biết.
Ban giám khảo đánh giá cao khả năng tiếng Anh của các học sinh và tính nhân văn, ứng dụng thực tiễn và hướng đến cộng đồng của các dự án. Bởi với xét nghiệm chỉ số apolipoprotein-B, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, tiên lượng, nhờ đó giảm đi tần suất mắc bệnh và tỉ lệ tử vong do bệnh tăng huyết áp có rối loạn lipid máu gây ra, mà đặc biệt giá thành xét nghiệm rẻ và có độ chính xác cao. Ở dự án của Vinh, anot làm từ vật liệu composit SnO2/ oxit graphit có dung lượng lưu trữ Liti cao và bền trong quá trình nạp-xả. Đây là một vật liệu có nhiều hứa hẹn cho việc thay thế graphit hiện đang dùng chủ yếu trong pin Li thương mại.
Điểm chung - niềm say mê khoa học!
Kết quả đạt được làm cả ba học sinh rất vui mừng vì đã không phụ lòng mong đợi của các thầy, cô giáo và sự nỗ lực cố gắng của bản thân.
Với hai cô gái Ngân và Bình, được vinh dự đại diện toàn đội tuyển lên sân khấu giới thiệu về tỉnh Bình Ðịnh là một kỷ niệm khó quên. “Chúng tôi đã mang đến hình tượng vua Quang Trung thông qua tranh vẽ cũng như giới thiệu những tinh hoa của tỉnh nhà đến toàn thể hội thi. Ðây cũng là dịp mà chúng tôi được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với rất nhiều bạn từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Và câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là: Bạn có biết võ không?”, Nguyễn Thị Bình kể.
“Chúng tôi luôn hứng thú với các nghiên cứu khoa học, nhưng không hình dung được rằng việc thực hiện nó lại đòi hỏi ở mình quá nhiều kỹ năng như vậy. Xuyên suốt quá trình làm đề tài, chúng tôi phải liên tục cập nhật nhiều tài liệu trong và ngoài nước, cập nhật những thông tin mới liên quan. Ngoài kỹ năng phân tích, tổng hợp, thí nghiệm, thực hành, chúng tôi học được cả tìm đến các nhà chuyên môn, thể hiện nguyện vọng của mình mong họ giúp đỡ” - cả ba bạn có cùng tâm sự như vậy.
Những năm qua, cuộc thi KHKT dần thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh trong toàn tỉnh, theo đó, chất lượng các dự án ngày càng cao. Bởi lẽ, ngoài những giải thưởng bản thân tác giả nhận được, việc nghiên cứu còn giúp tạo tiền đề cho những ấp ủ, mong muốn trong tương lai của họ.
“Chúng tôi đang có dự định theo học chuyên ngành y đa khoa và sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu y học lâm sàng”, Ngân và Bình chia sẻ. Còn với Vinh thì “trong tương lai, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục phát triển dự án để hoàn thiện những ý tưởng khoa học ấp ủ bấy lâu”.
NGỌC TÚ