Tạo nguồn thu góp phần “nuôi” di tích: Cần những kế hoạch bài bản và chuyên nghiệp
Hiện có 5 di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu phí tham quan. Do chưa được quan tâm đầu tư tương xứng và hợp lí, nên nguồn thu ở phần lớn các di tích này hiện còn rất ít so với tiềm năng có thể khai thác, phát huy để góp phần phục vụ, phát triển du lịch tỉnh nhà.
Tháp Đôi hiện là điểm đến thu hút được nhiều khách tham quan nhất trong số các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh. Nhưng so với tiềm năng thì vẫn còn rất bé nhỏ.
Trong số 5 di tích có thực hiện việc thu phí, có 3 di tích quốc gia thu phí tham quan với mức từ 7.000 đồng/người/lượt. Và đây đều là những tháp Chăm có giá trị độc đáo, được Ban Quản lý di tích tỉnh phân công người bảo vệ, thuyết minh cho du khách. Tuy vậy hầu hết đều rất vắng khách. Điểm đáng chú ý đầu tiên ở đây là - Không phải cứ quý báu, tuyệt vời, cứ là bảo vật thì tự nhiên sẽ có người kéo đến tham quan, dù phí tham quan như đã thấy - rất rẻ!
Mỗi nơi mỗi vẻ…
Tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015, nhưng đến nay du khách vẫn rất thưa thớt. Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) có vị trí thuận lợi hơn, gần sát quốc lộ 1A, được một nhóm tác giả người Anh đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” xuất bản đầu năm 2015 cũng ở trong tình trạng tương tự. Khách đến “nhỏ giọt” cũng là tình trạng ở tháp Cánh Tiên (TX An Nhơn), dù được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Tiến, thuyết minh viên ở tháp Bánh Ít, xác nhận: “Du khách chỉ tập trung vào dịp lễ, tết, còn ngày thường rất ít người đến!”.
“Tạo nguồn thu để góp phần phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là điều Ban Quản lý di tích tỉnh trăn trở những năm qua. Bên cạnh việc cần có nguồn kinh phí đầu tư, thì hình thức đầu tư như thế nào phải cân nhắc, xem xét kỹ để đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Sau khi tháp Dương Long được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Sở VH-TT đã lập dự án trùng tu, tôn tạo có nguồn kinh phí đầu tư lớn để trình UBND tỉnh, hiện đang được giao cho Sở KH&ÐT xem xét…” .
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh
Đối với di tích quốc gia tháp Đôi, phí tham quan ban đầu là 2.000 đồng/người/lượt, sau đó điều chỉnh lên 5.000 đồng năm 2011, rồi 8.000 đồng từ năm 2014. Theo báo cáo thống kê từ nhiều năm của Ban Quản lý di tích tỉnh và Công ty Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, bình quân mỗi năm số tiền thu được từ nguồn phí tham quan tháp Đôi khoảng 120 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số tiền chi ra để quản lý, duy tu, bảo dưỡng khu di tích mỗi năm, bình quân lên đến 550 triệu đồng. Điều an ủi là năm 2016, với sự phát triển của du lịch Quy Nhơn - Bình Định, lượng khách đến tháp Đôi đã bắt đầu tăng lên.
Cần thêm sự đầu tư
Từ tháng 8.2015, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương chuyển giao khu di tích tháp Đôi (bao gồm khuôn viên và mặt bằng tháp Đôi) từ Công ty cổ phần Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn sang cho Sở VH - TT & DL (nay là Sở VH-TT) quản lý để gắn với việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Chăm, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bán hàng lưu niệm tại đây theo quy hoạch đã phê duyệt.
Dù đã có nhiều cuộc họp bàn, nhưng đến nay việc chuyển giao vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục. Vì vậy, đến nay tại tháp Đôi vẫn chưa có thuyết minh viên, chưa thể triển khai các dịch vụ để khai thác các lợi ích từ di tích này.
“Nhiều khách du lịch đến tháp Đôi, nhất là du khách ở miền Bắc sau khi tham quan bày tỏ lấy làm tiếc khi không thể mua đồ lưu niệm có liên quan đến di tích nói riêng và văn hóa Chăm nói chung…”, ông Nguyễn Toàn Chiêu - người nhiều năm gắn bó với việc quản lý, bảo vệ tháp kể.
Nguyên nhân quan trọng khiến các di tích tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long chưa thu hút được nhiều khách tham quan, lợi ích vật chất khai thác từ di tích rất thấp (theo thống kê của Ban Quản lý Di tích tỉnh, năm 2016, nguồn thu phí tham quan của cả 3 tháp Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên tổng cộng chỉ được 37 triệu đồng) trước tiên là do các dự án đầu tư tôn tạo gần như chỉ hướng đến bản thân công trình tháp chứ gần như chưa tính đến việc xây dựng các công trình phụ trợ, dịch vụ, chưa tính đến có các dự án khai thác công trình vào mục đích phục vụ, lấy di tích nuôi di tích…
Và công bằng mà nói, tỉnh ta cũng thiếu những kế hoạch quảng bá bài bản, chuyên nghiệp đủ sức thu hút du khách. Nói vậy là bởi như đã nói ở trên, đường đến tháp Đôi rất thuận tiện, ngay trong TP Quy Nhơn, không gian cảnh quan khá đẹp, tiềm năng thu hút rất lớn nhưng di tích vẫn ít khách. Hai phù điêu tuyệt đẹp là bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh là ví dụ tương tự. Vậy đó, xin được nhắc lại, không phải cứ quý báu, tuyệt vời, cứ là bảo vật thì tự nhiên sẽ có người kéo đến tham quan, dù phí tham quan như đã thấy - rất rẻ! Cái thời “hữu xạ tự nhiên” có lẽ đã qua rồi!
***
Được biết cụm tháp Pô Klông Giarai (Ninh Thuận) quy hoạch tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản trên khu đất rất rộng…trong năm 2016 đã đón 64.236 lượt khách, doanh thu gần 1,2 tỉ đồng. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng cũng cần “trông người mà ngẫm đến ta”, việc tạo nguồn thu để góp phần “nuôi” và phát huy giá trị di tích tháp Chăm ở Bình Định muốn đạt hiệu quả cao như ở các tỉnh, thành khác thì còn nhiều việc phải làm. Trước mắt là sự quan tâm đầu tư các hạng mục công trình cụ thể, phù hợp và mang nét riêng để góp phần thu hút khách du lịch…
HOÀI THU
Bài báo hay, đặt vấn đề trực tiếp, chỉ ra nguyên nhân chính xác. Vấn đề còn lại là sắn tay làm, có cơ chế quản lý đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch (trong và ngoài tỉnh) và thích ứng sự biến đổi của nhu cầu (nhu cầu luôn biến đổi theo thời gian) này sẽ thành thành công thôi.