Sai sót trong đề thi thử ở Hà Nội: Bộ Giáo dục nói về đề thi chuẩn hóa
Mỗi câu hỏi thi được thử nghiệm 2 lần trước khi đưa vào sử dụng trong ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Nhằm giảm thiểu những sai sót trong cách thức ra đề thi phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu thử nghiệm, thẩm định câu hỏi thi.
Phóng viên phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Sái Công Hồng-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Tiến sĩ Sái Công Hồng-Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT)
PV: Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT ra đề thi THPT Quốc gia theo phương thức mới. Xin ông cho biết cách thức ra đề thi của Bộ nhằm giảm thiểu những sai sót có thể xảy ra?
TS Sái Công Hồng: Việc ra đề thi phục vụ cho kì thi THPTQG năm 2107 được Bộ GD-ĐT thực hiện theo qui trình xây dựng đề thi chuẩn hóa. Ngoài việc mời các chuyên gia thực hiện viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định các câu hỏi thì Bộ GD-ĐT còn tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi.
Việc thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mẫu các học sinh lớp 12 ở một số địa phương làm thử câu hỏi thi và đề thi để định cỡ các câu hỏi thi cũng như phát hiện tính chính xác của các đáp án của câu hỏi thi. Sau đó, Bộ sẽ phân tích, độ khó, độ tin cậy của các câu hỏi thi, rà các phương án “nhiễu” của câu hỏi thi, độ tin cậy, độ giá trị… của đề thi để điều chỉnh một cách thống nhất, chuẩn xác.
Mỗi câu hỏi được chuẩn chỉnh sau khi thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Quy trình này không chỉ góp phần giảm thiểu những sai sót khi đưa đề thi vào áp dụng chính thức mà còn định cỡ và cân bẳng độ khó giữa các đề thi.
PV: Bộ GD-ĐT đã có sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm ra đề thi thử cho các địa phương như thế nào, thưa ông?
TS Sái Công Hồng: Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn các Sở GD-ĐT ra đề thi. Năm 2011, Bộ cũng tổ chức tập huấn cho các Sở.
Đến tháng 11/2016, Bộ tiếp tục tập huấn cho cán bộ ở các địa phương trong việc ra đề thi và đặc biệt có giứi thiệu qui trình ra đề thi chuẩn hóa phục vụ cho kỳ thi THPTQG năm 2017 ở tất cả các môn.
PV: Để đảm bảo cho mỗi thí sinh một mã đề thi, việc xây dựng ngân hàng đề thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đang được thực hiện đến đâu, thưa ông?
TS Sái Công Hồng: Trong quy chế ghi rõ, mỗi thí sinh sẽ làm một mã đề thi riêng. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiến hành thử nghiệm các câu hỏi thi và dự kiến tháng 3/2016 sẽ thực hiện xong. Sau đó, Bộ sẽ chỉnh sửa lại các câu hỏi thi trước khi tiến hành bước tiếp theo là thử nghiệm các đề thi. Các câu hỏi sau khi được thử nghiệm và chỉnh sửa này sẽ được lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Đề thi chính thức phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa nhờ vào phần mềm máy tính và được các chuyên gia trong hội đồng đề thi THPTQG 2107 thẩm định, rà soát kỹ trước khi chuyển cho các hội đồng thi để in sao phục vụ cho kỳ thi
PV: Ông có thể đưa ra lời khuyên nào đối với thí sinh khi năm nay mỗi em làm một mã đề thi riêng?
TS Sái Công Hồng: Các thí sinh có các mã đề thi khác nhau nên rất khó để trợ giúp bạn trong quá trình làm bài thi. Hơn nữa, với khoảng thời gian đã được tính toán hợp lý cho mỗi câu hỏi thì thí sinh nên tập trung toàn bộ thời gian để hoàn thành bài thi của mình để đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian qui định.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo Bích Lan (VOV)